Trong lúc Saudi Arabia chưa hết chấn động vì vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu, Nga chào mời bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho vương quốc Arab này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani gặp gỡ tại Ankara ngày 16-9. Ảnh: AFP |
Đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bán S-400 cho Saudi Arabia được đưa ra lúc ông đến thủ đô Ankara gặp gỡ những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hồi đầu tuần này để bàn thảo về vấn đề Syria. Khi báo giới hỏi về vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, ông Putin nói rằng, Riyadh nên có “quyết định khôn ngoan”, mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 như Iran đã mua, hoặc mua hệ thống S-400 hiện đại hơn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi. “Những hệ thống này chắc chắn sẽ bảo vệ bất kỳ cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia trước các cuộc tấn công”, ông Putin nói.
Theo hãng Bloomberg, về lý thuyết, thông qua những cuộc tập trận, S-300 hay S-400 đều là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao. Iran đã vận hành các hệ thống S-300 của Nga từ năm 2017. Tháng 4-2019, Nga khởi động hệ thống S-400 ở Syria và mới đây Moscow cũng vừa chuyển giao xong lô S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ. S-400 được xem là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình ở khoảng cách tới 400km. Nga hiện muốn bán hệ thống tên lửa S-400 cho Saudi Arabia và cả Qatar. Còn Thổ Nhĩ Kỳ vì muốn có S-400 mà phớt lờ sự đe dọa trừng phạt của Mỹ - đồng minh lâu năm, thậm chí bị Washington loại khỏi dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Hãng tin RBC của Nga cho hay, đến giữa năm 2020, nước này sẽ sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không hiện đại S-500, có khả năng hạ mục tiêu từ khoảng cách trên 480km.
Không những thế, các tập đoàn vũ khí Nga sẽ giới thiệu những khí tài hiện đại nhất chống máy bay không người lái tại triển lãm hàng không Dubai Airshow vào tháng 11 tới. Theo hãng thông tấn TASS, tại triển lãm này, Nga sẽ trưng bày nhiều vũ khí như hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir, Sosna, tên lửa vác vai Igla, Verba, phương tiện tác chiến điện tử Sapsan-Bekas, Ataka-DBS, Solyaris-N, Pishchal-PRO và Taran-PRO.
Việc Nga chào hàng vũ khí hiện đại là một phần trong những nỗ lực thay thế Mỹ giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, dựa vào thành công trong chiến lược của Moscow ở Syria. Từ năm 2015 đến nay, Nga là cường quốc trung gian duy nhất liên hệ với các bên trong cuộc xung đột Syria. Chẳng hạn, không những hợp tác với Iran để ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga còn kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ phe đối lập, để thành lập bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến vòng hòa đàm về Syria kể từ năm 2017.
Mới đây nhất, tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Ankara ngày 16-9, các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thống nhất thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột kéo dài suốt 9 năm tại Syria. Trong đó, Nga sẽ hỗ trợ quân đội Syria trong các hoạt động giảm thiểu căng thẳng và xóa bỏ mối đe dọa của khủng bố ở khu vực Idlib - thành trì cuối cùng của phe đối lập. Tổng thống Putin cũng kêu gọi tất cả lực lượng nước ngoài rời Syria.
Cuối năm 2017, Tổng thống Putin thăm Iran, sau đó thăm Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud cũng có chuyến công cán đến Nga. Sau hội nghị G7 ở thành phố Biarritz (Pháp) hồi tháng 8-2019, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Moscow để gặp người đồng cấp Sergei Lavrov. Những động thái này cho thấy Nga và Trung Đông ngày càng thúc đẩy quan hệ vì lợi ích chung. Theo Bloomberg, việc Nga có mối quan hệ thân thiết với Iran làm Saudi Arabia khó chịu, nhất là khi Riyadh và Washington quy trách nhiệm cho Tehran trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu. Song, Saudi Arabia muốn “bắt tay” với Nga để hạn chế chương trình uranium của Iran thông qua đối thoại, hơn là trừng phạt quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này như cách Mỹ đang áp dụng. Thế nhưng, Saudi Arabia sẽ khó có thể đứng hẳn về phía Nga và hủy hoại liên minh với Mỹ.
Các nhà quan sát cho rằng, Nga ngày càng giữ vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông nhưng về lâu dài, việc giải quyết những bất ổn ở vùng “chảo lửa” này vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga hiện không được bất kỳ bên nào đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu, dù Moscow khẳng định sẵn sàng trợ giúp Riyadh nếu cần thiết.
PHÚC NGUYÊN