Thế giới đối mặt nhiều thách thức

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ diễn ra ở New York từ ngày 23 đến 30-9 là cơ hội để “thúc đẩy ngoại giao vì hòa bình” trong lúc thế giới đối mặt với nhiều thách thức.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ ba, từ trái sang) gặp gỡ các quan chức nước này trước khi lên đường đến New York, Mỹ. Ảnh: ISNA
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ ba, từ trái sang) gặp gỡ các quan chức nước này trước khi lên đường đến New York, Mỹ. Ảnh: ISNA

Theo hãng tin AP, trong lúc thế giới đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng cùng các thách thức như: chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng bố, di cư, an ninh mạng…, nội dung được quan tâm nhất vẫn là chính sách của Mỹ và phát biểu của Tổng thống Donald Trump sau gần 3 năm theo đuổi chủ trương “nước Mỹ trên hết”, vốn gây nhiều quan ngại cho các đồng minh và phủ bóng lên nhiều thỏa thuận đa quốc gia.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, cuộc họp lần này là cơ hội để thúc đẩy “ngoại giao vì hòa bình” khi bất ổn đang gia tăng vì những cuộc xung đột và khủng hoảng, từ cuộc nội chiến Syria đến Yemen, từ tranh chấp giữa Israel và Palestine đến căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đối với khu vực Kashmir. “Đây là lúc để “hạ nhiệt” căng thẳng”, ông Guterres nói.

Hãng AP nhận định, thách thức trước mắt là căng thẳng giữa Mỹ và Iran cùng nguy cơ hành động quân sự nhằm đáp trả Tehran sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia. Theo đó, mọi ánh mắt đang hướng về Tổng thống Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại New York. Trong bài phát biểu ngày 24-9 (giờ New York), ông chủ Nhà Trắng muốn thuyết phục thế giới xây dựng liên minh chống Iran khi Mỹ và Saudi Arabia đều đổ lỗi nước Cộng hòa Hồi giáo phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu. Ông Trump không loại bỏ khả năng gặp gỡ ông Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, nhưng không có kế hoạch trước cho cuộc gặp này.  

Phát biểu với báo giới khi tham dự diễn đàn thường niên của LHQ, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng, chính phủ của ông chủ trương tạo nhiều áp lực đối với Iran. Song, ông hàm ý về “những biện pháp mới” trong chiến dịch nhằm kết thúc chương trình công nghệ hạt nhân của Tehran và kiềm chế sức mạnh của nước Cộng hòa Hồi giáo này ở Trung Đông.

Theo trang abcnews.go.com, Tổng thống Trump kêu gọi một thỏa thuận mới sau 1,5 năm Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani kiên quyết nói “không” với đàm phán, trừ khi ông Trump nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran. “Thông điệp của chúng tôi gửi đến thế giới tại cuộc họp LHQ là hòa bình, ổn định và chúng tôi cũng muốn nói với thế giới rằng, tình hình ở vịnh Persian rất nhạy cảm”, ông Rouhani nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Iran sẽ có bài phát biểu vào ngày 25-9.

Điều đáng nói là giờ đây, cả Đức, Anh và Pháp - 3 đối tác trong JCPOA - cũng chỉ trích Iran trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu, mặc dù Paris đang nỗ lực cứu JCPOA. Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo Berlin, London và Paris đều tái khẳng định sự ủng hộ JCPOA, nhưng cho rằng “không có lời giải thích nào hợp lý hơn việc Iran phải chịu trách nhiệm về vụ việc”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi hướng đến “thỏa thuận Trump” để thay thế JCPOA. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Nếu Iran đứng sau vụ tấn công, nhà máy lọc dầu sẽ không còn lại gì cả”; đồng thời chỉ trích Đức, Anh và Pháp đã thể hiện rõ sự tê liệt trong việc thực hiện các nghĩa vụ của họ từ tháng 5-2018, thời điểm Mỹ rút khỏi JCPOA.

Với diễn đàn “thúc đẩy ngoại giao vì hòa bình” của LHQ, chưa rõ “sáng kiến hòa bình Hormuz” mà Tổng thống Iran đề cập hôm nay (25-9) có nhận được “những cái gật đầu” của các nước hay không. Tuy nhiên, theo AFP, cánh cửa đàm phán vẫn mở, bởi cần cho ngoại giao “mọi cơ hội để thành công”, như lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, dù ông có quan điểm cứng rắn với Iran.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.