Tổng thống Donald Trump cách chức Cố vấn An ninh quốc gia

Mỹ đổi chính sách ngoại giao?

.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton có thể mở đường thúc đẩy các cuộc đàm phán với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump với Cố vấn An ninh quốc gia thứ ba của mình, ông John Bolton, xảy ra trong những tháng gần đây xung quanh hàng loạt vấn đề, từ ảnh hưởng quá mức của người đứng đầu Nhà Trắng đến chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, hay việc rút các binh sĩ Mỹ khỏi Syria, mối quan hệ với Nga…

Ông John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia từ tháng 4-2018.                                      Ảnh: AP
Ông John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia từ tháng 4-2018. Ảnh: AP

Vì vậy, quyết định của Tổng thống Trump sa thải ông Bolton không gây bất ngờ, nhưng cho thấy bất đồng giữa hai ông lên tới mức không thể dung hòa. Khi công bố trên Twitter rằng “không cần ông Bolton trong Nhà Trắng nữa”, Tổng thống Trump cũng cho biết, nguyên nhân do bất đồng sâu sắc về những đề xuất của vị cố vấn này.

Tham gia chính phủ kể từ tháng 4-2018, ông Bolton luôn giữ quan điểm cứng rắn như lúc làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống G.W. Bush. Ông Bolton hoài nghi về cách tiếp cận của Tổng thống Trump trong vấn đề Triều Tiên. Gần đây, ông phản đối việc tổ chức bất kỳ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và cuộc đàm phán hòa bình với thủ lĩnh Taliban tại Trại David.

Hãng Bloomberg cho rằng, ông Bolton tin chính sách ngoại giao là công cụ để chống lại các quốc gia mà ông xem là mối đe dọa đến sức mạnh chiến lược của Mỹ. Song, Tổng thống Trump có xu hướng dùng chính sách ngoại giao để thúc đẩy những lợi ích kinh tế. Vì vậy, chẳng có lý do gì để ông Trump giữ lại một cố vấn cao cấp không cùng quan điểm về an ninh quốc gia. Mùa xuân năm nay, chính ông Bolton cũng nhận thấy mình “đứng bên lề” trong các cuộc gặp của Nhà Trắng và những thành tựu ngoại giao của Tổng thống Mỹ, trong đó có cuộc gặp lịch sử của ông Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự chia tách hai miền Triều Tiên hồi cuối tháng 6. Theo đó, giới quan sát nhận định, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên sắp tới có thể sẽ mềm mỏng hơn, mở đường thúc đẩy các cuộc đàm phán mới.

Hãng Reuters dẫn lời các cựu quan chức Mỹ cho rằng, việc ông Bolton rời nhiệm sở gỡ bỏ một trở ngại cho đối thoại về hạt nhân giữa Washington và Iran, nhưng triển vọng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước vẫn rất thấp. Ông Bolton chính là người chủ trương đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Cliff Kupchan thậm chí gọi ông Bolton là “Ngài Không” (Dr. No) khi đề cập về việc đàm phán với Iran. Cố vấn Hesameddin Ashena của Tổng thống Iran Rouhani viết trên Twitter rằng, việc ông Bolton bị cách chức là dấu hiệu cho thấy thất bại của Mỹ trong chính sách gây sức ép tối đa lên Tehran.

Với sự ủng hộ của ông Bolton, năm ngoái, Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015; tái áp đặt trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Tehran. Ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều muốn dùng chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran. Song, quan điểm của cả ba ông vẫn “mềm mỏng” hơn so với ông Bolton về giải pháp ngoại giao và một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Iran.

Có lẽ còn quá sớm để nói về những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ khi không còn vị quan chức 70 tuổi cứng rắn, đạo mạo John Bolton ở Nhà Trắng. Nhưng Tổng thống Trump, với những quyết định khó đoán, dường như đang muốn “ghi điểm” với cử tri và “dọn đường” để bước vào chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

Với việc sa thải ông John Bolton, Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm Cố vấn An ninh quốc gia thứ tư trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi ông vào Nhà Trắng. Việc bổ nhiệm sẽ được công bố vào tuần tới. Hai ứng viên hàng đầu cho vị trí này là Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và Đại tá lục quân về hưu Douglas MacGregor.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.