Vụ tấn công vào hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais ở Saudi Arabia có thể khiến Trung Đông đối mặt với nguy cơ xung đột khi Mỹ chỉ trích Iran là thủ phạm, thậm chí cảnh báo Washington sẵn sàng “khóa mục tiêu và lên nòng” để đáp trả.
Saudi Arabia có thể quyết định một cuộc tấn công đáp trả nhằm vào các cơ sở năng lượng của Iran. Trong ảnh: Cơ sở khai thác khí đốt của Iran ở cảng biển Asalouyeh, phía bắc vịnh Persian. Ảnh: AP |
Cả Saudi Arabia và Mỹ đều tuyên bố có bằng chứng cho thấy Iran đứng sau vụ tấn công vào ngày 14-9 vừa qua, khiến sản lượng dầu của vương quốc Arab này giảm 50%, tương đương 5,7 triệu thùng/ngày.
Ai đứng sau vụ tấn công?
Theo người phát ngôn quân đội Saudi Arabia Turki al-Malki, vũ khí được sử dụng để tấn công hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais do Iran cung cấp. Ông al-Malki nói rằng, Riyadh sẽ điều tra các máy bay không người lái tấn công hai nhà máy lọc dầu đến từ đâu và bản thân ông không tin các chiến binh Houthi ở Yemen là thủ phạm như lực lượng này tuyên bố. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cũng cho rằng, không có bằng chứng vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen - nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống Houthi hơn 4 năm qua. “Iran thực hiện vụ tấn công chưa từng có nhằm vào nguồn cung năng lượng của thế giới”, ông Pompeo viết trên Twitter.
Các quan chức Mỹ cũng từng công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ tấn công đến từ phía bắc (trong khi Yemen nằm ở phía nam Saudi Arabia) và có đến 17 điểm ở nhà máy Abqaiq bị ảnh hưởng, nhiều hơn số máy bay không người lái mà Houthi tuyên bố đã điều đến. Các quan chức Mỹ đưa ra khả năng: máy bay không người lái và tên lửa được phóng từ Iran hoặc phía nam Iraq - nơi lực lượng al-Quds của Iran có mặt. Sau đó, một quan chức Mỹ khẳng định, vụ tấn công không xuất phát từ Iraq. Vốn không muốn đứng về bên nào trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, chính phủ Iraq bác bỏ việc lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này được sử dụng cho cuộc tấn công nói trên.
Trang web The Daily Beast dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Saudi Arabia xem vụ tấn công tuy nhằm vào nền kinh tế của nước này nhưng chẳng khác gì vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Sau cuộc họp an ninh quốc gia vào sáng 16-9 (tối cùng ngày, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Washington muốn tìm ra kẻ đứng sau vụ việc tại Saudi Arabia và sẽ trợ giúp Riyadh trong trường hợp bị tấn công. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng, dường như Iran phải chịu trách nhiệm và Mỹ sẽ chờ kết quả điều tra từ Saudi Arabia. Giới quan sát hình dung về một kịch bản xung đột khi Tổng thống Trump mô tả Washington sẵn sàng “khóa mục tiêu và lên nòng”, ám chỉ một phản ứng quân sự với Iran. Chính ông Trump đã ra lệnh tấn công Iran hồi tháng 6 nhưng ngay sau đó hủy bỏ lệnh này.
Theo báo The Telegraph, Saudi Arabia cũng có thể quyết định đáp trả như thế nào, thậm chí cần “ăn miếng trả miếng”, nghĩa là một cuộc tấn công tương tự nhằm vào các cơ sở năng lượng của Iran (chẳng hạn các nhà máy lọc dầu). Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tuyên bố “sẵn sàng và có thể đáp trả hành vi khủng bố”. Song, chưa hẳn vương quốc Arab này muốn xung đột với Iran.
Thị trường dầu mỏ bất ổn
Vụ tấn công khiến giá dầu tăng vọt vào phiên giao dịch ngày 16-9, làm dấy lên lo ngại giá năng lượng cao có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sáng sớm 17-9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,27% lên 1.507,04 USD/ounce, trong khi giá các hợp đồng giao dịch vàng tương lai tại Mỹ cũng tăng 0,83% lên 1.512,1 USD.
Câu hỏi được đặt ra là sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia bị giảm hơn 50% và Riyadh cần thời gian để khôi phục sản xuất thì làm sao bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung này? Tổng thống Trump cho rằng, vụ tấn công làm giảm lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở vùng Vịnh, chứ không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu cho thị trường thế giới bởi Washington vừa “soán ngôi” của Riyadh để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất. “Chúng tôi không cần dầu khí của Trung Đông, nhưng chúng tôi sẽ giúp các đồng minh”, ông Trump viết trên Twitter và tuyên bố sẵn sàng cho phép mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong trường hợp cần thiết.
Chuyên gia Christyan Malek nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại JP Morgan, xác nhận thế giới đang dư lượng dầu mỏ để cung ứng, nhưng đó là thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công hai nhà máy nói trên. Ông Malek cho rằng, thị trường sẽ bất ổn khi các kho dự trữ dần cạn kiệt và nguy cơ chuỗi cung ứng bị gián đoạn tăng lên. Vụ tấn công đang tạo ra vòng xoáy căng thẳng ở Trung Đông, đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu và trước mắt làm tiêu tan triển vọng đối thoại Mỹ - Iran, như phát biểu của lãnh đạo tối cao nước Cộng hòa Hồi giáo này, ông Ayatollah Ali Khamenei: Tehran sẽ không đối thoại với Washington ở bất kỳ cấp độ nào.
Theo hãng AFP, nếu Saudi Arabia có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tuần tới, giá dầu sẽ nhanh chóng giảm còn khoảng 60 USD/thùng. Nhưng nếu khủng hoảng kéo dài nhiều tháng, giá dầu thô Brent có thể chạm mức 85 USD/thùng. Ngày 17-9, giá dầu Brent hơn 68 USD/thùng. |
PHÚC NGUYÊN