Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất việc cho Albania và Bắc Macedonia bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gọi sự bất đồng này là “sai lầm lịch sử”, đồng thời hoãn tiến trình đàm phán đến năm 2020.
Hãng AFP cho biết, khi nhóm họp ở Brussels (Bỉ) vào cuối tuần qua, Pháp đã phản đối việc Bắc Macedonia, trong khi Paris cùng Đan Mạch và Hà Lan ngăn cản tư cách thành viên của Albania. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữ quan điểm cứng rắn, không muốn EU có thêm bất cứ thành viên mới nào cho đến khi khối này hoàn tất cải cách và cải tiến các thủ tục kết nạp thành viên.
Phát biểu với báo giới ở Brussels, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda xác nhận Bắc Macedonia đã nỗ lực rất nhiều để có thể gia nhập EU như nhượng bộ trong việc đổi tên nước từ Macedonia thành Bắc Macedonia, chấm dứt hơn hai thập niên tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi; thay đổi hiến pháp… Còn Albania cũng đã cố gắng đáp ứng các điều kiện của EU để gia nhập liên minh.
Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng khối, ông Johannes Hahn cho rằng, quyết định của EU gây tổn hại uy tín của liên minh “không chỉ ở khu vực Tây Balkan mà còn hơn thế nữa”. Tổng thống Bắc Macedonia Stevo Pendarovski thúc giục người dân nước ông thúc đẩy cải cách và nói rằng ý tưởng một châu Âu thống nhất là quyền của tất cả người dân châu Âu, không ai có thể tước bỏ.
Ngoại trưởng Bắc Macedonia Nikola Dimitrov kêu gọi EU thể hiện rõ ý định của mình. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn EU xem xét lại vấn đề khởi động đàm phán với Albania và Bắc Macedonia trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Tây Balkan ở Zagreb vào đầu năm 2020, thời điểm Croatia giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Ngoài Albania và Bắc Macedonia, 4 nước khác vùng Balkan gồm: Bosnia, Kosovo, Montenegro và Serbia cũng đang nỗ lực gia nhập EU.
BÌNH YÊN