Nhiều tờ báo lớn của Australia đã đồng loạt bôi đen các dòng tin ở trang nhất để phản đối quy định của chính phủ về việc hạn chế đưa tin.
Các ấn phẩm của News Corp Australia và Nine hôm nay đồng loạt bôi đen các dòng văn bản trên trang nhất kèm theo dấu đỏ bên cạnh với chữ “bí mật”.
Chiến dịch "biểu tình" đã diễn ra sau khi cảnh sát đột kích vào nhà riêng của một nhà báo thuộc News Corp Australia và trụ sở của Tập đoàn Truyền thông Australia.
Các tờ báo lớn của Australia đã bôi đen trang nhất để phản đối việc hạn chế quyền tự do báo chí. Ảnh: Reuters |
Động thái này nhằm vào luật an ninh quốc gia của Australia mà giới truyền thông nước này cáo buộc là dường như đã “kìm hãm” việc đưa tin và tạo nên “văn hóa bí ẩn” tại Australia.
Trước đây, việc giữ kín thông tin với công chúng đã được chính phủ biện minh vì lý do an ninh quốc gia và bây giờ chính quyền Australia khẳng định họ tôn trọng tự do báo chí nhưng “không một ai được vượt lên trên luật pháp”.
Các tổ chức truyền thông liên quan đến cuộc biểu tình cho biết các vụ đột kích nhằm vào các bài báo dựa vào thông tin rò rỉ từ người tố giác.
Đây là một chiến dịch được gọi là “Liên minh Quyền được biết”. Ngoài 2 tập đoàn truyền thông lớn, chiến dịch nhận được sự ủng hộ từ một số đài truyền hình, đài phát thanh và trang tin tức ở Australia.
Michael Miller, Chủ tịch điều hành tập đoàn News Corp Australia đã đăng lên Twitter bức ảnh chụp 2 tờ báo The Australian và The Daily Telegraph bị bôi đen trang nhất và đặt câu hỏi cho độc giả: “Họ đang cố gắng che giấu điều gì?”. Một nhân vật cấp cao ở tập đoàn Nine cũng đăng tải bức ảnh chụp các tờ Sydney Morning Herald và The Age bị bôi đen trang đầu tiên.
Ví dụ như chính phủ đã từ chối tiết lộ địa điểm của viện dưỡng lão khi bị phát hiện lạm dụng và bỏ bê người già. Đồng thời, chính phủ cũng không tiết lộ bao nhiêu đất nông nghiệp đã được bán cho nước ngoài.
David Anderson, giám đốc điều hành tập đoàn Truyền thông Australia ABC cho biết: “Australia có nguy cơ trở thành nên dân chủ bí mật nhất thế giới”.
Thủ tướng Scott Morrison cho rằng tự do báo chí rất quan trọng đối với nền dân chủ Australia, nhưng luật pháp cũng cần phải được duy trì. “Điều đó áp dụng cho tôi, cho các nhà báo và bất cứ ai khác”, ông Morrison chia sẻ.
Các tổ chức truyền thông Australia cho rằng quyền tự do báo chí đã bị “xói mòn” bởi hơn 70 luật chống khủng bố và an ninh được thông qua kể từ vụ tấn công 11-9 ở Mỹ.
Theo Vov.vn