Giải Nobel Hòa bình 2019: Ông Abiy Ahmed - Thủ tướng kiến tạo hòa bình

.

Ngày 11-10, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình 2019 cho ông Abiy Ahmed, vị Thủ tướng 43 tuổi của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia “vì những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt là sáng kiến quyết định của ông đã giải quyết xung đột biên giới với Eritrea”. Giải thưởng cũng ghi nhận tất cả những nỗ lực cho hòa bình và hòa giải ở Ethiopia cũng như ở các khu vực Đông Bắc Phi và Đông Phi.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2019.  Ảnh: nobelprize.org
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2019. Ảnh: nobelprize.org

Tại lễ công bố giải ở thủ đô Oslo, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen cho biết, kể từ lúc ông Ahmed nhậm chức Thủ tướng Ethiopia vào tháng 4-2018, ông đã khẳng định quan điểm muốn khôi phục các đối thoại hòa bình với Eritrea.

Bằng cách hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Eritrea, ông Ahmed đã nhanh chóng vạch ra các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc “không hòa bình, không chiến tranh” kéo dài suốt 20 năm giữa hai nước. “Một tiền đề quan trọng cho sự đột phá chính là việc ông Ahmed sẵn sàng chấp nhận phán quyết phân xử của một ủy ban biên giới quốc tế vào năm 2002” - bà Reiss-Anderson nói. Uỷ ban Nobel Na Uy kỳ vọng thỏa thuận hòa bình này sẽ mang lại những biến chuyển tích cực cho toàn thể người dân hai nước.

Theo trang web nobelprize.org, trên cương vị Thủ tướng Ethiopia, ông Ahmed đã khơi nguồn nhiều chương trình cải cách quan trọng, giúp người dân đất nước Đông Phi này tin tưởng hơn vào một tương lai tươi sáng.

Sau khi nhậm chức, ông dành 100 ngày đầu tiên để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của đất nước, ân xá hàng nghìn tù nhân chính trị, giải tán các lãnh đạo dân sự và quân sự bị nghi ngờ tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị và cộng đồng Ethiopia.

Tờ The Guardian cho biết, ông Ahmed đã chỉ định 10 phụ nữ giữ chức bộ trưởng trong bộ máy chính quyền gồm 20 bộ trưởng của mình, trong đó có nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong lịch sử đất nước. Ông cũng có công trong việc củng cố nền dân chủ Ethiopia bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, tự do.

Về đối ngoại, ông Ahmed đã tham gia tích cực vào nhiều tiến trình hòa bình và hòa giải ở Đông Phi và Đông Bắc Phi như quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Eritrea và Djibouti, tiến trình hòa giải giữa Kenya và Somalia, tiến trình dân sự hóa hòa bình ở Sudan... Tại lễ công bố giải, bà Reiss-Anderson cho biết sẽ có những ý kiến rằng trao giải cho ông Abiy Ahmed lúc này là “sớm”, bởi ông chỉ mới nhậm chức vào năm ngoái. Song theo bà, giải thưởng này kịp thời ghi nhận công sức của ông Ahmed và cổ vũ những người khác.

Sau khi ông Ahmed được công bố là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2019, Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã ra thông cáo khẳng định đây là niềm tự hào của dân tộc. Thông cáo viết: “Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Ethiopia và các bằng hữu của Ethiopia hãy tiếp tục ủng hộ hòa bình. Chiến thắng này, sự ghi nhận này là của toàn bộ người dân Ethiopia, và cũng là một lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc biến Ethiopia - Chân trời mới của niềm hy vọng - thành một quốc gia thịnh vượng cho tất cả”. Lãnh đạo nhiều nước cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Ahmed.

Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan viết trên Twitter: “Ông ấy là một người khôn ngoan, đã mang lại hòa bình và hy vọng cho đất nước của mình và cho khu vực. Giải thưởng này là một vinh dự hoàn toàn xứng đáng dành cho một nhà lãnh đạo kiệt xuất”. Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed cho rằng ông Ahmed xứng đáng giành chiến thắng, đồng thời bày tỏ ông rất vui vì được làm việc với ông Ahmed nhằm củng cố sự hợp tác khu vực.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, ông Ahmed đã chứng minh rằng nếu có lòng kiên nhẫn, sự gan dạ và khả năng thuyết phục thì hòa bình là điều có thể. Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ trên tài khoản Twitter chính thức: “Chúng tôi ủng hộ Ethiopia trên hành trình hướng đến cải cách dân chủ và hòa bình.”

Ethiopia là đất nước đông dân thứ 2 châu Phi và là nền kinh tế lớn nhất Đông Phi. Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng, một Ethiopia hòa bình, ổn định và thành công sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực, giúp củng cố tình hữu nghị giữa các quốc gia và dân tộc.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.