Ngày 10-10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Văn học 2019 cho tác giả người Áo Peter Handke và giải Nobel Văn học 2018 cho tác giả người Ba Lan Olga Tokarczuk.
Tác giả người Áo Peter Handke, chủ nhân giải Nobel Văn học 2019. |
Nhà văn, nhà biên kịch Peter Handke được vinh danh “vì một tác phẩm có tính ảnh hưởng, cùng sự khéo léo về ngôn ngữ, đã khám phá được ngoại vi và sự đặc thù của trải nghiệm loài người”. Ông sinh năm 1942 trong một ngôi làng miền nam nước Áo. Năm 1961, ông nhập học ngành Luật ở trường Đại học Graz (Áo), song ông đột ngột bỏ học ngay sau khi xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tay Die Hornissen (tên tiếng Anh: The Hornets) của mình vào năm 1966. Vở kịch Publikumsbeschimpfung (tên tiếng Anh: Offending the Audience) được viết năm 1969 đã giúp ông ghi tên mình trên bản đồ văn học. Hơn 50 năm sau, ông trở thành một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Ông viết đa dạng thể loại, từ tiểu thuyết, tiểu luận cho đến kịch bản phim.
Từ năm 1990, ông chuyển đến sống tại Chaville (Pháp) - nơi ông thực hiện những cuộc hành trình đầy hiệu suất của mình. Các tác phẩm của ông mang theo khát khao khám phá. Bằng những cách diễn đạt văn chương mới, ông khiến những khám phá của mình trở nên sinh động. Uỷ ban Nobel nhận xét, Handke có một tài nghệ đặc biệt là khả năng chú tâm một cách đáng kinh ngạc đến cảnh vật và sự tồn tại của thế giới vật chất. Các tác phẩm của ông không ngừng đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự sinh tồn, trong đó tác phẩm được đọc nhiều nhất là “A Sorrow Beyond Dreams”, nói về việc mẹ ông tự tử vào năm 1971. Tác phẩm “Die Obstdiebin” (tên tiếng Anh: “The Fruit Thief”) xuất bản năm 2017 của ông được Uỷ ban Nobel đánh giá đặc biệt cao, vì “sự chú tâm một cách chuẩn xác đến cảnh vật và đề tài du mục”. Ban giám khảo giải Nobel Văn học năm nay nhận định: “Bằng tính nghệ thuật tuyệt diệu, ông đã khám phá vùng ngoại vi của những nơi chưa từng được nhìn thấy”.
Tác giả người Ba Lan Olga Tokarczuk, chủ nhân giải Nobel Văn học 2018. Ảnh: nobelprize.org |
Đối với nhiều người, việc ông Handke nhận giải Nobel Văn chương là một điều đáng ra phải có từ lâu. Khi tiểu thuyết gia người Áo Elfriede Jelinek nhận giải Nobel Văn học 2004, bà đã nói: “Tôi nghĩ nếu giải Nobel Văn học được trao cho người Áo, thì đó phải là Peter Handke.” Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh giải thưởng năm nay, chủ yếu vì những quan điểm chính trị của ông Handke.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có đến 2 giải Nobel Văn học được trao trong cùng một ngày. Nhà văn, nhà thơ người Ba Lan Olga Tokarczuk được trao giải Nobel Văn học 2018 “vì trí tưởng tượng, cùng niềm đam mê kiến thức rộng lớn, đã thể hiện những hành trình vượt qua các ranh giới như một dạng thức của sự sống”. Bà sinh năm 1962 trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên. Ngay từ nhỏ, bà đã có niềm đam mê đọc sách và sớm phát triển khiếu văn chương. Quyển tiểu thuyết đầu tay của bà có tên là Podróz ludzi Księgi (tên tiếng Anh: The Journey of the Book-People) được ra mắt vào năm 1993 và ngay lập tức dành Giải thưởng Xuất bản Ba Lan cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất giai đoạn 1993 - 1994. Quyển tiểu thuyết thứ 3 của bà (Prawiek i inne czasy, tên tiếng Anh: Primeval and Other Times) xuất bản năm 1996 trở thành một đột phá thực sự và là hình mẫu xuất sắc của văn học Ba Lan kể từ sau năm 1989.
Tokarczuk tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, khiến vũ trụ thu nhỏ của bà trở thành tấm gương phản chiếu vũ trụ rộng lớn. Ủy ban Nobel nhận xét, bà là một tác giả của cuộc sống bản địa với những tác phẩm tràn đầy sự hóm hỉnh và tinh quái. Các tiểu thuyết của bà thuộc nhiều thể loại và được dịch sang tiếng Anh bởi 2 dịch giả Antonia Lloyd-Jones và Jennifer Croft. Tiểu thuyết “Flights” của bà đạt Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2018 dành cho tác phẩm dịch hư cấu. Ủy ban Nobel về Văn học đánh giá: “Tokarczuk chưa bao giờ xem hiện thực là điều ổn định hay bất diệt. Bà viết những tiểu thuyết của mình trong sự căng thẳng giữa những nền văn hóa đối lập, giữa tự nhiên và văn minh, lý trí và mất trí, nam và nữ, thân thuộc và xa lạ”.
Giải Nobel Văn học đã bị hoãn trao vào năm ngoái sau vụ bê bối liên quan đến Jean-Claude Arnault, chồng của một thành viên cấp cao trong Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển. Ông Arnault bị tuyên án tù tội hiếp dâm vào tháng 10-2018. Trong khi đó, nhà thơ Katarina Frostenson vợ ông bị cáo buộc tham nhũng vì không thông báo cho Viện về sự xung đột lợi ích khi phân bổ tiền tài trợ cho trung tâm văn hóa mà chồng bà điều hành.
KHANG NINH