Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm cấp thị thực đối với một số thành viên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn chiến dịch của Ankara ở Syria.
Người dân Syria đến thị trấn Tal Tamr nhằm tránh các cuộc giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và thủ lĩnh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ngày 15-10, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Ankara và người Kurd phải ngừng bắn. “Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt bạo lực và tiến đến bàn đàm phán”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu với báo giới. Ông Pence và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ sớm đến Ankara để thúc đẩy khả năng đối thoại.
Ngoài ra, Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp đặt thuế quan lên tới 50% đối với sản phẩm thép của Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức dừng đàm phán liên quan một thỏa thuận thương mại với Ankara trị giá 100 tỷ USD. Ông Trump cũng cấm cấp thị thực cho 3 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ do liên quan đến “những hành động gây mất ổn định ở Syria”. Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẵn sàng phá hủy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục “con đường nguy hiểm và hủy diệt”. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, các biện pháp trừng phạt sẽ tác động đến nền kinh tế vốn suy yếu của Thổ Nhĩ Kỳ và Washington duy trì lệnh trừng phạt cho đến khi Ankara chấp nhận ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt bạo lực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ đến trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới để thúc giục các đồng minh châu Âu áp đặt các biện pháp về kinh tế và ngoại giao chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về lệnh trừng phạt của Mỹ có thể tác động đến tiền tệ, làm đồng lira mất giá. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan ngày 15-10 tuyên bố, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng lại cho đến khi hoàn thành các mục tiêu. Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, các biện pháp trừng phạt của ông Trump quá ít và quá muộn.
Báo The Telegraph nhận định, Tổng thống Trump bất ngờ có thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sau 8 ngày ông rút lực lượng Mỹ khỏi đông bắc Syria, “bật đèn xanh” cho Ankara mở chiến dịch chống lại người Kurd ở khu vực này. Trước những chỉ trích gay gắt từ chính các nghị sĩ đảng Cộng hòa và các nước đồng minh của Mỹ, ông Trump dường như muốn đảo ngược tình thế và gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch.
Phó Tổng thống Pence khẳng định, Mỹ vẫn chưa “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump có thể làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn thì cũng không thể cứu vãn những rạn nứt giữa Mỹ và người Kurd - lực lượng từng sát cánh với Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Cảm thấy bị Mỹ phản bội, SDF đã “bắt tay” với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo đó, lần đầu tiên kể từ năm 2012 đến nay, chính phủ Syria đưa quân trở lại vùng đông bắc để giúp SDF đối phó với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Reuters, động thái của chính phủ Syria sẽ mở đường cho sự hiện diện của Nga trong cuộc xung đột lần này.
Kể từ khi nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011, Mỹ có một số mục tiêu: tiêu diệt IS, lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Trong chiến dịch chống IS, Mỹ hợp tác với người Kurd - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. Nhưng giờ đây, việc SDF chuyển sang tìm sự trợ giúp từ chính phủ Syria đánh dấu bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời củng cố quyền kiểm soát toàn bộ đất nước của Tổng thống Assad.
PHÚC NGUYÊN