Mỹ rút quân khỏi syria: Gia tăng nguy cơ IS trỗi dậy

.

Việc Mỹ bắt đầu rút quân khỏi đông bắc Syria từ ngày 7-10, bỏ mặc lực lượng người Kurd đối mặt với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, đang vấp phải nhiều chỉ trích. Quyết định này được cho là mở cánh cửa để tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở lại Syria.

Ngày 8-10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã hoàn tất việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại đông bắc Syria để thiết lập “vùng an toàn” sau khi Mỹ bắt đầu rút quân. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lý giải: “Đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi những cuộc chiến bất tận lố bịch này và đưa những người lính của chúng ta trở về nhà.

Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu ở những nơi mang lại lợi ích cho nước Mỹ, ở những nơi mà chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng”. Ông Trump khẳng định không đứng về bên nào (Thổ Nhĩ Kỳ hay lực lượng người Kurd), mà chỉ thực hiện cam kết đưa quân đội Mỹ trở về nước. Song, lý giải của ông chủ Nhà Trắng không thuyết phục được đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả quyết định của Tổng thống Trump là “phản bội đồng minh người Kurd”, không những tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và sự ổn định ở khu vực, mà còn gửi thông điệp đến các nước khác rằng Washington không còn là đối tác đáng tin cậy. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell lo ngại việc rút quân sẽ làm tăng nguy cơ IS và các nhóm khủng bố khác trỗi dậy. Ông McConnell kêu gọi Tổng thống Trump duy trì quan hệ đồng minh đa phương để đánh bại hoàn toàn IS; đồng thời ngăn chặn cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác chống khủng bố của Mỹ tại Syria.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu chống IS, không cho phép tổ chức này hiện diện trở lại dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng theo hãng AFP, các nhà phân tích và cả lực lượng người Kurd đều cảnh báo, việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria có thể mở cánh cửa cho IS hồi sinh. Theo Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảo ngược thành quả nhiều năm của SDF và Mỹ trong việc đánh bại IS, tạo điều kiện cho một số thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này thoát khỏi nơi ẩn náu.

Ông Sam Heller thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định, IS vẫn là mối đe dọa và mối đe dọa này sẽ có thể lan rộng nếu SDF buộc phải chuyển hướng với mục tiêu hàng đầu là chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Charles Lister, Giám đốc Viện Trung Đông có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Tổng thống Trump đang “tặng IS món quà hồi sinh”.

Nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.