Mỹ thay đổi chính sách ở Trung Đông

.

Thay vì đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Syria về nước như cam kết của Tổng thống Donald Trump, Lầu Năm Góc đưa hơn 700 người sang Iraq và đang cân nhắc việc giữ hơn 200 binh sĩ ở lại.

Đoàn xe quân sự Mỹ vượt qua biên giới vào tỉnh Dohuk, phía bắc Iraq.          Ảnh: Reuters
Đoàn xe quân sự Mỹ vượt qua biên giới vào tỉnh Dohuk, phía bắc Iraq. Ảnh: Reuters

Việc để lại 200 binh sĩ Mỹ ở phía đông Syria sẽ đánh dấu lần thứ hai chỉ trong 10 tháng, Nhà Trắng đảo ngược quyết định rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Báo New York Times cũng gọi đây là sự đảo ngược chính sách đối ngoại mới nhất của chính phủ Mỹ ở Trung Đông.

Kế hoạch nói trên được đưa ra chỉ sau vài ngày ông Trump quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để về nước, làm dấy lên những tranh cãi và phản ứng khác nhau về cam kết của Washington đối với an ninh của các đồng minh ở khu vực. “Đã đến lúc chúng ta trở về nhà”, ông Trump tuyên bố. Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng, việc rút quân khỏi đông bắc Syria là sự phản bội đồng minh và “bật đèn xanh” cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd. Trong khi đó, Tổng thống Trump xem quyết định của ông là cách giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016: đưa Mỹ ra khỏi “cuộc chiến bất tận” ở Trung Đông.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng, các binh sĩ sẽ không trở về nhà cũng như không rời khỏi Trung Đông. Thay vào đó, họ đến Iraq, bổ sung cho lực lượng binh sĩ Mỹ gồm 5.000 người đang đồn trú nơi đây. Sáng 21-10, đoàn xe quân sự Mỹ gồm hơn 100 chiếc vượt biên giới Sahela vào tỉnh Dohuk, phía bắc Iraq. Trước khi rời Syria, các binh sĩ Mỹ đã đặt bom phá hủy căn cứ quân sự của mình, trong đó có nhiều cơ sở phục vụ hoạt động hạ cánh của máy bay vận tải tại căn cứ Tal Baydar, gần thị trấn Tal Tamr thuộc tỉnh Al-Hasakah. Trước đó, trả lời đài Fox News về việc rút quân Mỹ khỏi Syria, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney cho rằng, “cách nhanh nhất đưa họ thoát khỏi nguy hiểm là chuyển họ sang Iraq”.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, hơn 200 binh sĩ có thể lưu lại phía đông Syria, gần biên giới với Iraq, để chống lại sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và bảo vệ những mỏ dầu của khu vực. 200 binh sĩ này sẽ được triển khai cách xa khu vực ngừng bắn trong 5 ngày ở đông bắc Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện theo thỏa thuận với Mỹ (thỏa thuận ngừng bắn sẽ hết hiệu lực vào ngày 22-10). Trên Twitter, ông Trump viết hàm ý rằng: “Chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh dầu mỏ”.

Cũng theo báo New York Times, các quan chức Mỹ không cho rằng, sự thay đổi nói trên là đảo ngược chính sách đối ngoại của Washington ở Trung Đông bởi Nhà Trắng luôn có kế hoạch rút quân khỏi “vùng chảo lửa” này. Năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố IS đã bị đánh bại và ông sẽ ra lệnh đưa 2.000 binh sĩ Mỹ trở về nước. Tuần trước, ông còn khẳng định “Hãy để Syria và Tổng thống Bashar al-Assad bảo vệ người Kurd và chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ để giành lấy đất của họ”.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ rút quân tạo ra khoảng trống mà Nga, đồng minh thân thiết nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tìm kiếm. Lực lượng của chính phủ Syria và Nga, theo đề nghị của người Kurd, tuần trước đã tiến vào hai thành phố biên giới Manbij và Kobani để lấp khoảng trống của Mỹ.

Trong cuộc họp sẽ diễn ra vào hôm nay (22-10) tại thành phố Sochi của Nga, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ bàn thảo về việc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) rút lui khỏi Manbij và Kobani.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.