Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên diễn ra vào ngày 23 và 24-10 minh chứng chiến lược “xoay trục” của Moscow sang “lục địa đen” để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh ở Sochi. Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn AFP, Nga vốn chú trọng xuất khẩu vũ khí và ngũ cốc sang châu Phi. Song, Moscow giờ đây tìm cách mở rộng hoạt động và ảnh hưởng ở châu Phi sau khi đã chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở thành phố Sochi, bên bờ Biển Đen, vào ngày 23 và 24-10, Tổng thống Vladimir Putin và đại diện 54 quốc gia châu Phi, trong đó có 47 nhà lãnh đạo các nước, sẽ bàn thảo về 4 lĩnh vực: dầu khí, hạt nhân, kim cương và giáo dục. Ông Putin cũng có 13 cuộc gặp gỡ song phương với các nhà lãnh đạo châu Phi nhằm gia tăng ảnh hưởng của Moscow.
Trả lời phỏng vấn hãng TASS, ông Putin nói rằng, Nga “sẵn sàng thực hiện các dự án đầu tư hàng tỷ USD” ở châu Phi. Với người đứng đầu Điện Kremlin, hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi là cơ hội để làm sống lại các mối quan hệ thời Xô viết, xây dựng các đối tác và liên minh mới, thúc đẩy nền kinh tế của đất nước sau 5 năm chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nga bắt đầu hiện diện ở châu Phi từ sau Chiến tranh Lạnh, ủng hộ các phong trào giành độc lập nơi đây, nhưng mối quan hệ bị “đóng băng” vào cuối thời Xô viết. Còn Trung Quốc, từ những năm 1976, nước này thiết lập quan hệ với châu Phi, xem đây là một trong những hướng đi mới với việc tập trung phát triển kinh tế, ưu tiên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại và nhập khẩu. Năm 2000, Bắc Kinh tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi và rót vào châu lục này hàng tỷ USD.
Mối quan hệ Nga và châu Phi được “hâm nóng” sau khi Tổng thống Putin lên nắm quyền vào năm 2000. Nền tảng quan hệ hai bên dần chuyển từ chính trị sang kinh tế, thương mại, an ninh, quân sự. Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc nổi lên là cường quốc nước ngoài hàng đầu ở “lục địa đen”, Nga phải “chạy đua” để tạo dựng ảnh hưởng. Từ năm 2014, Nga xem châu Phi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Song, hợp tác thương mại Nga - châu Phi chỉ đạt được 20 tỷ USD trong năm 2018, trong khi hợp tác thương mại Mỹ - châu Phi là 61 tỷ USD, Trung Quốc - châu Phi hơn 200 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) - châu Phi lên đến hơn 300 tỷ USD. Tổng thống Putin nói rằng, con số 20 tỷ USD là “chưa đủ” (trong đó thương mại Nga - Ai Cập chiếm 40%) và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi với 35% thị phần trên toàn châu lục. Từ đầu năm 2019 đến nay, xuất khẩu vũ khí của Nga sang “lục địa đen” dự kiến ở mức 4 tỷ USD. Trong tương lai, Moscow cũng sẽ mở rộng thương mại cũng như đề nghị hỗ trợ công nghệ cho các nước châu Phi.
Chuyên gia Yevgeny Korendyasov tại Viện Nghiên cứu châu Phi ở Moscow, cựu Đại sứ tại Burkina Faso và Mali cho rằng, ngoài vũ khí, Nga hiện muốn tập trung nỗ lực vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, châu Phi cũng có nguồn khoáng sản quan trọng mà Nga rất cần, bao gồm mangan và chrome.
Trong những năm gần đây, Nga có hàng loạt thỏa thuận quân sự với các nước châu Phi và hàng ngàn nhà thầu an ninh tư nhân của Moscow được cho là đang làm việc ở “lục địa đen”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ không thể cạnh tranh với Trung Quốc và phương Tây một sớm một chiều tại châu lục này, bởi Moscow vẫn là người đến sau. Dù vậy, hội nghị thượng đỉnh ở Sochi là cơ hội lớn để Nga và châu Phi tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự, chính trị bền vững.
PHÚC NGUYÊN