Ngai vàng Hoa Cúc - báu vật cổ đón tân Nhật hoàng đăng quang

.

Báu vật tâm điểm của nghi lễ đăng quang là Takamikurea - chiếc ngai vàng cổ thể hiện sự khéo léo tuyệt vời của những người thợ thủ công Hoàng gia Nhật Bản.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako phát biểu trong nghi thức nối ngôi đầu tiên vào ngày 1-5-2019 tại Cung điện Hoàng gia. Ảnh: AFP
Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako phát biểu trong nghi thức nối ngôi đầu tiên vào ngày 1-5-2019 tại Cung điện Hoàng gia. Ảnh: AFP

Khoảng một năm trước, một đoàn tám chiếc xe tải đã khởi hành từ cố đô Kyoto tới thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tuyến đường nghe có vẻ quen thuộc, nhưng món hàng mà đoàn xe mang theo thì chắc chắn là không.

Bên trong các thùng xe là những bộ phận tháo rời của một bảo vật quốc gia: Ngai vàng Hoa Cúc, một cấu trúc hình vòm cao 6,4 mét, được trang trí bằng những món đồ tinh xảo, đặc biệt là những bức tượng chim phượng hoàng huyền thoại.

Ngày 22-10-2019, ngai vàng ấn tượng này – trong tiếng Nhật được gọi là Takamikura – sẽ là sân khấu trung tâm khi Nhật hoàng Naruhito tham gia nghi lễ đăng quang tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, trước sự chứng kiến của thần dân cũng như hàng trăm quan khách quốc tế.

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi các nghi lễ đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực tại Hoàng gia Nhật – một trong những vương triều lâu đời nhất thế giới, và theo truyền thuyết, là hậu duệ của một nữ thần Mặt trời.

Ngai vàng Hoa cúc dành cho Nhật hoàng và phiên bản nhỏ hơn dành cho Hoàng hậu.
Ngai vàng Hoa cúc dành cho Nhật hoàng và phiên bản nhỏ hơn dành cho Hoàng hậu.

Buổi lễ được gọi là Sokuirei Seiden no Gi, sẽ bắt đầu vào lúc 13h (theo giờ địa phương) ngày 22-10 bên trong Phòng Thông, một trong những căn phòng danh giá nhất của Cung điện Hoàng gia.

Cũng tại căn phòng này, ngày 30-4 năm nay, cựu Nhật hoàng Akihito đã trở thành Hoàng đế Nhật Bản đầu tiên thoái vị trong vòng 200 năm qua, mở đường cho con trai là Thái tử Naruhito nối ngôi vào ngay ngày hôm sau.

Sáu tháng trôi qua nhanh chóng và Hoàng đế Naruhito dự kiến khởi động các thủ tục lên ngôi tiếp theo với một nghi lễ yêu cầu ông phải vận một chiếc áo choàng màu cam đất mang ý nghĩa sự thịnh vượng, trên đầu là chiếc mũ kanmuri màu đen nổi bật với chóp bằng và đuôi mũ cao khoảng 60cm hướng thẳng lên trời.

Hoàng hậu Masako cũng xuất hiện không kém phần cầu kỳ: bà dự kiến diện bộ trang phục nhiều lớp trang trọng với sắc đỏ, tím lilac và xanh lá, với vạt áo màu tím nhạt và tóc được vấn cao, với một lọn tóc vàng.

Tuy nhiên, mọi con mắt được dự đoán sẽ đổ dồn vào Takamikurea, báu vật thể hiện sự khéo léo tuyệt vời của những người thợ thủ công Hoàng gia. Được chế tác hoàn toàn bằng tay từ gỗ bách sơn mài, Ngai vàng Hoa Cúc là một đài bát giác nằm cao hơn mặt đất, với các rèm cửa mang những sắc thái vương giả của màu tím và cam, được tô điểm thêm bởi những bức họa vẽ các vị thần tiên trên trời.

Mái nhà bằng vàng được trang trí bởi những mào hoa cúc, bên trên là những con chim phượng hoàng đang tung cánh. Ngay bên cạnh Ngai vàng Hoa Cúc là một phiên bản ngai vàng nhỏ hơn, dành riêng cho Hoàng hậu

Bên trong cấu trúc cầu kỳ mà tân Hoàng đế dự kiến sẽ ngự trong buổi lễ, là một chiếc ghế tựa đơn giản, với nệm được nhồi bằng rơm, như một lời nhắc nhở Hoàng đế về những nghĩa vụ của mình đối với đất nước.

Bên cạnh ông sẽ là hai trong số ba báu vật quý giá nhất của Hoàng gia, gồm thanh bảo kiếm Kusanagi tượng trưng cho sự dũng cảm và viên ngọc Yasakani no Magatama tượng tưng cho lòng nhân từ. Báu vật còn lại trong “Tam chủng thần khí” của Nhật Bản không xuất hiện tại buổi lễ hôm nay là gương báu Yata no Kagami tượng trưng cho sự uyên bác.

Tâm điểm của buổi lễ dự kiến sẽ là lúc tấm màn cửa của Ngai vàng Hoa Cúc được mở ra để lộ Hoàng đế Naruhito ngồi bên trong. Lúc này ông sẽ đọc một bài diễn văn mang tính biểu tượng để công bố với thế giới về cuộc kế vị. Cảnh tượng lịch sử này, dự kiến kéo dài khoảng 30 phút, sẽ bao gồm cả bài phát biểu của Nhật hoàng, tiếp theo là của Thủ tướng Shinzo Abe.

Sự hiện diện của Ngai vàng Takamikura – báu vật  thường chỉ ngự trong Cung điện Hoàng gia ở cố đô Kyoto - không phải là không gây tranh cãi. Ngai vàng này đã được sử dụng trong các nghi lễ của Hoàng gia Nhật từ đầu thế kỷ thứ 8, và phiên bản Ngai vàng Hoa cúc hiện tại được chế tác vào năm 1915 dưới thời cụ của Nhật hoàng Naruhito là Hoàng đế Taisho.

Một số nhà phê bình cho rằng tuyên bố của Nhật hoàng từ một vị trí cao hơn về mặt vật lý so với vị trí của Thủ tướng sẽ vi phạm nguyên tắc của bản Hiến pháp Hòa bình cho rằng chủ quyền của quốc gia thuộc về người dân. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, nghi lễ đăng quang trước đây của cựu Nhật hoàng Akihito vào năm 1990 – với sự tham gia của Thái tử Anh Charles và Công nương Diana - đã gây ra một loạt các vụ kiện về tính hợp hiến của nhiều nghi lễ.

Tất cả các khiếu kiện cuối cùng đã bị bác bỏ, mặc dù Tòa án Tối cao Osaka năm 1995 ra phán quyết rằng vẫn còn những nghi ngờ về việc liệu lễ đăng quang có vi phạm hiến pháp hậu Thế chiến, vốn cấm Nhà nước tham gia vào các hoạt động tôn giáo hay không.

Khi buổi lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito diễn ra ngày 22-10, thay vì sắp xếp khu vực chỗ ngồi tạm trong sân trước Phòng Thông như ở lễ đăng quang trước vào năm 1990, các quan khách được thông báo sẽ ngồi trong phòng hoặc hành lang bên trong, và theo dõi các thủ tục nghi lễ qua 30 màn hình công nghệ cao. Đây được xem là một động thái của Chính phủ Nhật nhằm hài hòa giữa quan niệm cũ và mới.

Nhưng dù thế nào, đây cũng sẽ là một cảnh tượng được hàng triệu người dân Nhật Bản chăm chú theo dõi. Tờ Telegraph dẫn lời ông Ben Ascione, một chuyên gia Nhật Bản tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét rằng: “Mức độ tôn kính của người dân Nhật với Hoàng đế rất cao, bởi vai trò kết hợp giữa chức năng của một nền quân chủ lập hiến – giống như các hoàng gia ở châu Âu – với chức năng giống như là Giáo hoàng dành cho vị linh mục tối cao của Thần đạo - tôn giáo bản địa của Nhật Bản.

Một điều ngạc nhiên nữa là lễ đăng quang diễn ra hôm nay vẫn chưa phải là cuối cùng. Nghi lễ thứ ba – và có lẽ là quan trọng nhất – dành cho Hoàng đế Naruhito sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, được gọi là Daijosai, hay Lễ Tạ ơn Vĩ đại dành cho vị tổ của Hoàng gia Nhật – Nữ thần Mặt trời Amaterasu.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.