Nobel Kinh tế 2019: Vinh danh nghiên cứu chống đói nghèo

.

Ngày 14-10, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Kinh tế 2019 cho 3 nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo (Viện Kỹ thuật Massachusetts - Mỹ) và Michael Kremer (Đại học Havard - Mỹ) vì “hướng tiếp cận thực nghiệm nhằm giảm đói nghèo toàn cầu”.

3 nhà khoa học nhận giải Nobel Kinh tế: Abhijit Banerjee (trái), Esther Duflo (giữa) và Michael Kremer.		Ảnh: nobelprize.org
3 nhà khoa học nhận giải Nobel Kinh tế: Abhijit Banerjee (trái), Esther Duflo (giữa) và Michael Kremer. Ảnh: nobelprize.org

Theo trang nobelprize.org, nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học cải thiện đáng kể khả năng của con người trong việc chống đói nghèo toàn cầu. Chỉ trong 2 thập niên, hướng tiếp cận thực nghiệm mới của họ đã thay đổi ngành kinh tế phát triển, khơi nguồn cho rất nhiều nghiên cứu khác. Về cơ bản, hướng tiếp cận này chia vấn đề đói nghèo toàn cầu thành các câu hỏi nhỏ và dễ kiểm soát hơn, chẳng hạn đâu là biện pháp cải thiện kết quả giáo dục hay sức khỏe của trẻ em hiệu quả nhất. Ba nhà khoa học Banerjee, Duflo và Kremer đã chứng minh rằng, các câu hỏi nhỏ và xác đáng này sẽ được trả lời thông qua những thực nghiệm được thiết kế cẩn thận hướng đến những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Giữa những năm 1990, ông Kremer và đồng nghiệp đã dùng các thí nghiệm thực địa để kiểm tra một loạt biện pháp can thiệp nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh ở miền tây Kenya, từ đó chứng minh cách tiếp cận này có hiệu quả mạnh mẽ. Sau đó, đôi vợ chồng Banerjee và Duflo tiến hành các nghiên cứu tương tự đối với các vấn đề khác, ở các quốc gia khác. Hiện phương pháp nghiên cứu thực nghiệm của họ thống trị hoàn toàn ngành kinh tế phát triển. Ủy ban Nobel chỉ ra hai kết quả trực tiếp từ các nghiên cứu này, gồm việc hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm ở trường, hay việc các khoản hỗ trợ lớn được rót vào những chương trình chăm sóc sức khỏe phòng ngừa ở nhiều nước. Ủy ban Nobel khẳng định, công trình nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học còn nhiều tiềm năng cải thiện cuộc sống của những người nghèo nhất trên khắp thế giới.

Theo báo The Guardian, ở tuổi 46, bà Esther Duflo là người phụ nữ thứ hai và người trẻ tuổi nhất giành giải Nobel Kinh tế trong suốt lịch sử 50 năm của giải thưởng này. Bà Duflo giải thích, công trình của bà và hai ông Banerjee, Kremer tập trung tìm hiểu “những gốc rễ liên kết của vấn đề đói nghèo”. Bà Duflo nói: “Cách tiếp cận của chúng tôi là tháo gỡ từng vấn đề và nghiên cứu các vấn đề càng khoa học càng tốt”. Bà cho rằng, giải thưởng Nobel Kinh tế là sự ghi nhận đối với hàng trăm nhà nghiên cứu về vấn đề đói nghèo toàn cầu. Những kỹ thuật nghiên cứu mà bà, ông Banerjee và ông Kremer sử dụng để nghiên cứu trong thế giới các nước đang phát triển cũng có thể được dùng để lý giải những vấn đề trong thế giới các nước phát triển (như Brexit, chiến tranh thương mại...).

Ông Banerjee (58 tuổi) hiện là Giáo sư Kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts. Năm 2003, ông cùng vợ thành lập Phòng Thí nghiệm Hành động đói nghèo Abdul Latif Jameel. Ông cũng từng làm việc trong Ban Nhân sự cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Chương trình Phát triển sau năm 2015.

Giải Nobel Kinh tế không phải là 1 trong 5 giải Nobel được đặt ra theo nguyện vọng của ông Alfred Nobel vào năm 1895. Tên chính thức của giải này là “Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel và vinh danh những nhân vật đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học”. Ba nhà kinh tế nhận giải năm nay sẽ được chia đều khoản tiền 9 triệu Krona (hơn 914.000 USD).

Lễ trao các giải Nobel sẽ được tổ chức vào ngày 10-12 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.