Thủ tướng Anh "tiến thoái lưỡng nan"

.

Việc Quốc hội Anh hoãn bỏ phiếu xem xét thỏa thuận Brexit mới khiến Thủ tướng Boris Johnson “tiến thoái lưỡng nan”. Dù không hề muốn nhưng ông buộc phải đề nghị Liên minh châu Âu (EU) kéo dài thời hạn Brexit đến năm 2020.

Người dân Anh đổ xuống đường phố London đòi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Ảnh: CNN
Người dân Anh đổ xuống đường phố London đòi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Ảnh: CNN

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi 3 bức thư đến lãnh đạo EU. Bức thư đầu tiên ông không ký tên, đề nghị gia hạn thời gian đàm phán Điều 50 Hiệp ước Lisbon tới ngày 31-1-2020, nghĩa là trì hoãn Brexit thêm 3 tháng. Bức thư thứ hai cũng không có chữ ký của Thủ tướng Johnson, là một bản sao văn bản dự thảo được đưa ra trong đạo luật Benn, buộc ông yêu cầu gia hạn Brexit; bức thư thứ ba có chữ ký của ông, trong đó gọi việc gia hạn Brexit như yêu cầu của Hạ viện Anh là sai lầm vì sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Anh cũng như các đối tác EU. Phát biểu với các nghị sĩ, ông Johnson nói: “Tôi sẽ không đàm phán việc trì hoãn với EU”.

Nước Anh lẽ ra rời EU vào ngày 29-3-2019 nhưng thời hạn này bị trì hoãn nhiều lần vì Quốc hội 3 lần bác bỏ thỏa thuận mà bà Theresa May - người tiền nhiệm của ông Johnson đã thống nhất với EU. Trước thất bại liên tiếp, bà May phải từ chức.

Trở thành người đứng đầu nhà số 10 phố Downing vào tháng 7 vừa qua, ông Johnson muốn Anh rời EU vào ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận. Song, cũng như bà May, ông Johnson chịu quá nhiều sức ép từ cả EU lẫn Anh, trong đó có sự phản kháng của một số thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền, trước kịch bản không thỏa thuận sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của xứ sở sương mù. Thỏa thuận mới mà ông Johnson đạt được chóng vánh với EU còn chưa kịp ráo mực thì các nghị sĩ Anh bỏ phiếu không ủng hộ văn bản này.

Theo đó, ông Johnson phải đề nghị EU lùi thời hạn Brexit. Tuy nhiên, theo CNN, ông Johnson nói rằng, đó là quyết định của Quốc hội, chứ không phải của ông. Trong nhiều tháng qua, nhà lãnh đạo này đã vẽ ra bức tranh rõ ràng rằng, ông muốn “chiến đấu đến cùng” cho việc Brexit vào ngày 31-10 và các nghị sĩ đối lập chẳng khác gì “kẻ trộm Brexit”, đã “lấy cắp Brexit”, đi ngược với kết quả trưng cầu dân ý năm 2016.

Về phía EU, ngày 20-10, Brussels bắt đầu xem xét đề nghị hoãn Brexit của Thủ tướng Johnson và tiến trình này có thể mất vài ngày. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, đã gặp gỡ các đại sứ EU để bàn thảo về việc hoãn cuộc “ly hôn” của Anh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối 28 thành viên vào tuần này. Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, việc triệu tập hội nghị thượng đỉnh chỉ cần thiết trong trường hợp các nghị sĩ Anh bác bỏ thỏa thuận và đảo ngược toàn bộ tiến trình Brexit.

Tuy nhiên, chính phủ Anh khẳng định, dù thế nào thì xứ sở sương mù vẫn sẽ rời EU vào ngày 31-10. Trong lúc đó, người phát ngôn Keir Starmer của Công đảng đối lập nhấn mạnh sự ủng hộ của đảng này đối với cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc rời “mái nhà chung”. Hàng chục nghìn người dân Anh đã quá chán ngán với Brexit cũng đổ xuống các đường phố ở thủ đô London đòi tổ chức trưng cầu dân ý. Họ vẫy cờ EU, mang theo các biểu ngữ kêu gọi ngừng Brexit và tuần hành qua trung tâm thủ đô đến tòa nhà Quốc hội.

Hiện chưa rõ Anh sẽ rời EU theo cách thức nào khi mớ bòng bong Brexit vẫn chưa được tháo gỡ. Hạ viện Anh có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào hôm nay (21-10) nhưng không có gì chắc chắn để khẳng định thỏa thuận mới sẽ được cơ quan lập pháp này thông qua. Ông Johnson muốn Vương quốc Anh rời “ngôi nhà chung” châu Âu một cách trật tự. Song, quá nhiều thách thức đặt ra; trong đó, việc vượt qua rào cản ở Quốc hội Anh không hề đơn giản.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.