Căng thẳng Mỹ - Iran suýt khơi mào chiến tranh tại vùng Vịnh vào mùa hè vừa qua, nay thêm chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria khiến các nước ở Trung Đông lo lắng về vị trí của họ trong chính sách an ninh của Washington.
Người dân Syria rời thị trấn biên giới Ras al-Ain để lánh nạn. Ảnh: AFP/Getty Images |
Trong nhiều thập niên, vịnh Persian là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ Mỹ trải khắp các căn cứ nhằm bảo vệ các tuyến đường huyết mạch cho nguồn cung năng lượng toàn cầu. Hè vừa qua, căng thẳng Mỹ - Iran khiến vùng Vịnh suýt hứng chịu một cuộc chiến tranh.
Giờ đây, sau khi Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria, mở đường cho chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xóa sổ lực lượng người Kurd, các nước ở vịnh Persian lo lắng rằng, họ ở đâu trong chính sách an ninh của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên khắp vịnh Persian kể từ tháng 5-2019, thời điểm ông điều một nhóm tàu sân bay tấn công, các máy bay ném bom B52 và máy bay phản lực tiên tiến đến khu vực mà Nhà Trắng mô tả là có mối đe dọa từ Iran.
Cũng lần đầu tiên kể từ sự kiện 11-9-2001, Tổng thống Mỹ điều binh sĩ và các tên lửa Patriot đến Saudi Arabia để tăng cường phòng thủ cho vương quốc này.
Cả Saudi Arabia lẫn Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều hoan nghênh chính sách của Mỹ trong việc gia tăng áp lực với Iran. Song, khi Tổng thống Trump từ chối trả đũa Iran xung quanh vụ Tehran bắn rơi máy bay giám sát không người lái của Mỹ, UAE cũng nỗ lực xoa dịu căng thẳng với nước Cộng hòa Hồi giáo và bắt đầu rút quân khỏi cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen nhằm chống lại phiến quân Houthi, lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Còn Saudi Arabia do vấp phải những chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ, nhất là xung quanh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm ngoái, Riyadh lo ngại về cam kết an ninh của Washington ở khu vực nên muốn tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy khác, trong đó có Nga.
Những ngày qua, Saudi Arabia, UAE đã lần lượt đón Tổng thống Nga Vladimir Putin và câu chuyện trên bàn nghị sự giữa các nhà lãnh đạo không chỉ là vấn đề dầu mỏ, thị trường năng lượng, mà còn là mối quan hệ giữa Moscow với Riyadh và Abu Dhabi, là thông điệp Moscow mới là đồng minh đáng tin cậy ở Trung Đông.
Khi cuộc nội chiến bùng phát ở Syria vào năm 2011, Saudi Arabia và UAE đều ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, UAE hiện nay dường như chấp nhận việc ông Assad tiếp tục tại nhiệm.
Tháng 12-2018, UAE mở Đại sứ quán tại Damascus và khuyến khích các doanh nghiệp của các tiểu vương quốc đầu tư vào Syria để gia tăng sức mạnh mềm của Abu Dhabi. Báo The National có trụ sở tại Abu Dhabi hồi đầu tuần này chỉ trích việc Mỹ bỏ mặc người Kurd ở Syria đơn độc đối phó với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với người Kurd - từng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), việc “bắt tay” với chính phủ Syria để chống lại các cuộc tấn công của Ankara là giải pháp tốt nhất trong lúc này.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, việc Tổng thống Trump cho rút quân ở đông bắc Syria và “bật đèn xanh” cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tạo cơ hội cho IS trỗi dậy, đồng thời “trao chìa khóa an ninh quốc gia của chúng ta cho Tổng thống Putin, Iran và Tổng thống Assad”.
Trong khi đó, ra điều trần ở Thượng viện ngày 16-10 (giờ Washington), một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định, việc Tổng thống Trump rút quân ở Syria không làm thay đổi chính sách cứng rắn của ông đối với Iran, đồng minh then chốt của Tổng thống Assad.
Song, có thể thấy rõ cục diện và tương quan lực lượng ở Syria đang thay đổi; theo đó, sự tin cậy chính trị của các đồng minh khu vực đối với Mỹ giảm đáng kể, dù ông Trump nói rằng, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là việc của Washington, mà là chuyện giữa Ankara và Damascus.
PHÚC NGUYÊN