Chính trường Israel trong thế giằng co

.

Israel có thể phải tổ chức cuộc bầu cử thứ ba trong vòng chưa đầy 1 năm. Với cuộc bầu cử mới, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có cơ hội tiếp tục tại nhiệm nếu không bị kết tội tham nhũng và lạm quyền.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz (trái) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) tham dự một buổi lễ ở Jerusalem ngày 19-9-2019. 	Ảnh: AP
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz (trái) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) tham dự một buổi lễ ở Jerusalem ngày 19-9-2019. Ảnh: AP

Đêm 20-11 là thời hạn cuối để ông Benny Gantz - cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, lãnh đạo của đảng Xanh và Trắng theo đường lối trung dung thành lập chính phủ. Tuy nhiên, không có sự ủng hộ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman, Chủ tịch đảng Yisrael-Beiteinu, ông Gantz không thể thành lập chính phủ.

Về phía ông Lieberman, lãnh đạo đảng Yisrael-Beiteinu này cũng từ chối ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đứng đầu đảng Likud cánh hữu. Ông Lieberman chủ trương lập chính phủ gồm 3 đảng: Xanh và Trắng - đảng lớn nhất có 34 ghế, Likud có 33 ghế và Yisrael-Beiteinu có 8 ghế, với vị trí thủ tướng được luân phiên. Ông Netanyahu và ông Gantz ủng hộ đề xuất này, nhưng không thống nhất ai sẽ làm thủ tướng trước. Nếu liên minh, đảng Xanh và Trắng cùng Likud đủ chiếm đa số trong Quốc hội.
Trong các cuộc bầu cử hồi tháng 4 và tháng 9 vừa qua, cả đảng Likud lẫn đảng Xanh và Trắng đều không bảo đảm đa số ghế, dẫn đến sự bế tắc chính trị chưa từng có ở Israel. Ông Netanyahu - Thủ tướng suốt 10 năm qua của Israel - không thể thành lập liên minh chính phủ. Vì vậy, Tổng thống Israel Reuven Rivlin trao quyền lập chính phủ trong vòng 28 ngày cho ông Gantz, hạn cuối là nửa đêm 20-11.

Ngày 21-11, lần đầu tiên trong lịch sử 71 năm của Israel, “quả bóng” được đẩy sang Quốc hội, Tổng thống Rivlin trao quyền cho cơ quan lập pháp chọn một nghị sĩ trong vòng 21 ngày thành lập chính phủ có sự tham gia của cả ông Netanyahu lẫn ông Gantz. Nghị sĩ này phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 61/120 thành viên trong Quốc hội; nếu không, Israel sẽ bước bầu cử lại vào đầu năm 2020.  

Hãng Bloomberg dẫn lời chiến lược gia chính trị Ashley Perry, cựu cố vấn của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liberman nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ bước vào cuộc bầu cử thứ ba”. Song, các thăm dò cho thấy, tổng tuyển cử lần ba sẽ dẫn đến một bế tắc khác. Trong khi đó, ông Netanyahu nói rằng, khủng hoảng chính trị khiến Israel “trở thành trò đùa” và một cuộc bầu cử lần thứ ba trong 1 năm là “sự điên rồ về thể chế”. Bản thân Thủ tướng Netanyahu đối mặt với ít nhất 3 cáo buộc hình sự về tham nhũng và lạm dụng quyền lực, có thể sẽ bị truy tố trong một vài ngày tới. Nếu bị truy tố, ông Netanyahu phải từ chức ngay lập tức và tất nhiên vị thế của đảng Likud sẽ bị suy yếu trước thềm bầu cử. Mặc dù bác bỏ các cáo buộc nhưng ông Netanyahu vẫn tìm cách thay đổi luật của Israel để cho phép Thủ tướng tại nhiệm được miễn trừ truy tố.

Một lợi thế rất lớn của ông Netanyahu là sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, giữa bức tranh chính trị rối ren ở Israel, chưa thể nói rằng việc Washington liên tục thay đổi chính sách của cường quốc này ở Trung Đông chắc chắn sẽ giúp đồng minh Netanyahu trở lại nắm quyền bởi những rắc rối pháp lý vẫn bủa vây vị Thủ tướng này. Điều đáng nói là khi Israel còn đang loay hoay với bế tắc chính trị, tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông cũng không chuyển động.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.