Ông Morales để lại di sản ngổn ngang

.

Bolivia đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng mặc dù Tổng thống Evo Morales đã từ chức và tị nạn chính trị ở Mexico. Liên Hợp Quốc (LHQ) thúc đẩy “một cuộc bầu cử tự do và minh bạch” ở Bolivia nhưng chưa có gì bảo đảm bầu cử sẽ sớm diễn ra.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales vẫn đổ xuống đường phố ở La Paz. Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales vẫn đổ xuống đường phố ở La Paz. Ảnh: Reuters

Ngày 17-11 (giờ La Paz), người dân Bolivia xếp thành những hàng dài trên đường phố La Paz để mua gà, trứng, nhiên liệu. Trong lúc đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales vẫn phong tỏa các tuyến đường cao tốc, khiến những khu vực trung tâm đông dân không thể tiếp cận các nông trại, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm.

Hãng Reuters dẫn lời ông Jerjes Justiniano, trợ lý của Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez cho biết, các nhà chức trách đã làm “cây cầu trên không”, dùng máy bay vượt qua các chướng ngại vật trên đường cao tốc để cung cấp hàng hóa cho La Paz và sẽ dùng cách này đối với các thành phố khác nếu bị cắt đứt nguồn cung nhu yếu phẩm.

Ông Morales từ chức hôm 10-11 và đến Mexico vào ngày 12-11. Song, những người ủng hộ ông vẫn xuống đường, mang theo súng bazooka tự chế, súng ngắn, lựu đạn, rào chắn đường và đụng độ với lực lượng an ninh. Một số người biểu tình yêu cầu Tổng thống lâm thời Anez từ chức, thậm chí cho bà thời hạn nửa đêm 18-11 để từ chức và kêu gọi bầu cử trong vòng 90 ngày. Bà Anez đã đồng ý tổ chức bầu cử mới, đồng thời cho rằng chính ông Morales từ nước ngoài đã kích động biểu tình.

Đặc phái viên LHQ Jean Arnault thúc giục chính phủ của bà Anez và những người ủng hộ ông Morales đối thoại hòa bình để giải quyết khủng hoảng. Theo đó, đàm phán có sự tham gia của các nghị sĩ thuộc đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) của cựu Tổng thống Morales - hiện chiếm đa số tuyệt đối tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, các đại diện của chính phủ lâm thời và LHQ, nhưng chưa xác định thời điểm đàm phán.

Đảng MAS cũng triệu tập phiên họp Quốc hội khẩn cấp vào ngày 19-11 để thảo luận về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới. Chính phủ lâm thời lo ngại các nhà lập pháp thân với cựu Tổng thống Morales sẽ bác bỏ việc ông từ chức, mở đường để nhà lãnh đạo từng nắm quyền suốt 14 năm trở về nước. “Họ muốn cản trở chính phủ lâm thời. Nếu không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Anez sẽ kêu gọi bầu cử bằng một sắc lệnh”, hãng AP dẫn lời nghị sĩ Gonzalo Barrientos nói.

Từ Mexico, cựu Tổng thống Morales nói rằng, ông đã bị lật đổ trong “cuộc đảo chính lén lút và bất chính nhất trong lịch sử”. Ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước. Song, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chủ yếu xuất phát từ việc ông Morales tuyên bố đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư sau cuộc bầu cử ngày 20-10 đã châm ngòi cho các vụ bạo lực trên đường phố, làm ít nhất 23 người chết và khoảng 500 người khác bị thương. Trong cuộc bầu cử, ông Morales đã đánh bại đối thủ - ứng cử viên của phe đối lập Carlos Mesa. Trong khi đó, Hiến pháp Bolivia chỉ cho tổng thống giữ 2 nhiệm kỳ.

Trước đó, năm 2016, ông Morales tổ chức trưng cầu dân ý để được quyền tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư. Tuy kết quả trưng cầu dân ý đi ngược với mong muốn của ông Morales nhưng Tòa án tối cao đã ra phán quyết “dọn đường” cho ông tái tranh cử.

Ông Morales làm Tổng thống Bolivia từ năm 2006. Dưới thời ông, quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất khu vực, tỷ lệ nghèo đói giảm một nửa, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị chỉ ở mức thấp. Những chính sách cải cách về kinh tế, xã hội của ông Morales nhận được sự ủng hộ của dân chúng, nhất là tầng lớp lao động.

Tuy nhiên, xã hội Bolivia vốn chia rẽ sâu sắc vì các yếu tố địa lý, xã hội và dân tộc, nhất là căng thẳng giữa cộng đồng bản địa Bolivia với giới thượng lưu cầm quyền gốc châu Âu. Nay với khoảng trống quyền lực mà ông Morales để lại, sự chia rẽ này tiếp tục được nhân lên và khó có thể giải quyết.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.