Brexit hay trưng cầu dân ý?

.

Cuộc bầu cử hôm nay (12-12) ở Vương quốc Anh sẽ quyết định nước này rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit vào tháng 1-2020, hay bước vào một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi cử tri hãy để Brexit diễn ra.  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi cử tri hãy để Brexit diễn ra. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết tiến hành Brexit vào ngày 31-1-2020 theo đúng kế hoạch, trong khi Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn hứa hẹn đàm phán về một thỏa thuận Brexit mới và tổ chức trưng cầu dân ý nếu đảng của ông chiến thắng. Kết quả sẽ được công bố vào sáng sớm 13-12.
Một ngày trước khi bước vào cuộc tổng tuyển cử thứ ba chỉ trong vòng 4 năm qua tại Anh, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của YouGov cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Johnson giành chiến thắng với đa số tối thiểu: 339/650 ghế trong Hạ viện, Công đảng đạt 231 ghế, đảng Dân tộc Scotland (SNP) 41 ghế và đảng Dân chủ Tự do 15 ghế.

Với thế đa số tối thiểu, ông Johnson sẽ gặp khó trong việc thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31-1-2020. Việc lãnh đạo chính phủ thiểu số trong thời gian qua đã khiến ông không hề xuôi chèo mát mái trong việc thông qua các dự luật Brexit. Trong kịch bản lý tưởng nhất cho đảng Bảo thủ, theo thăm dò của hãng Opinium, đảng này sẽ giành được 46% số phiếu, Công đảng giành 31%.

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Johnson nói rằng, cuộc đua sẽ rất gay cấn và bản thân ông không thể chắc chắn khả năng chiến thắng. Với thông điệp của Brexit “tồn tại hay là chết”, dự kiến ông Johnson sẽ giành được sự ủng hộ của những cử tri muốn “rời đi” (Leave). Song, chính sách này có thể phản tác dụng ở những khu vực muốn “ở lại” (Remain). Giới quan sát không loại trừ tình trạng Quốc hội “treo” và đây là kịch bản xấu cho nước Anh, bởi không đảng nào có thể giải quyết thế bế tắc Brexit.

Ngày cuối cùng trước khi bỏ phiếu, các đảng đều tranh thủ hoàn tất các chiến dịch tranh cử. Ông Johnson lần lượt có mặt ở hạt Yorkshire, phía bắc nước Anh và hạt Essex, phía đông bắc London. “Nếu chúng ta không thoát khỏi các cuộc tranh luận về Brexit, tương lai của chúng ta là một đất nước không ổn định…, một thập kỷ chia rẽ và bế tắc”, vị Thủ tướng 55 tuổi nói, đồng thời kêu gọi người dân hãy để Brexit diễn ra. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc tuần hành ở thành phố Middlesbrough, đông bắc nước Anh, ông Corbyn gọi sự kiện ngày 12-12 là “cuộc bầu cử quan trọng nhất của một thế hệ”. “Thông điệp của tôi gửi đến tất cả những cử tri còn phân vân là các bạn có thể bỏ phiếu cho niềm hy vọng”, chính trị gia 70 tuổi nhấn mạnh. Còn Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do chống Brexit, bà Jo Swinson kêu gọi ngăn Brexit. “Để dừng Brexit, chúng ta phải ngăn chặn ông Boris Johnson. Chúng ta có hơn 1 ngày còn lại để làm điều này”, bà Swinson nói.

Các nhà phân tích đưa ra một số kịch bản: Thứ nhất, ông Johnson chiến thắng với ít nhất 326 ghế, đảng Bảo thủ sẽ phải liên minh với các đảng nhỏ hơn. Theo đó, nhà lãnh đạo này có thể đưa thỏa thuận Brexit mà ông đã đạt được với Brussels ra Quốc hội và nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-1-2020. Khi rời “mái nhà chung”, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp và vẫn duy trì phần lớn mối quan hệ với EU như lúc còn là thành viên cho đến hết tháng 12-2020. Trong giai đoạn này, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sẽ đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với EU.   

Thứ hai, đảng Bảo thủ không giành đa số ghế và xảy ra tình trạng Quốc hội “treo”. Các đảng phải tìm cách xây dựng liên minh và Thủ tướng Johnson có thể nỗ lực thành lập chính phủ, hoặc từ chức. Lúc đó, ông Corbyn của Công đảng sẽ lập nội các mới. Nhưng bất kỳ chính phủ nào cũng phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Ông Corbyn có thể thuyết phục SNP và đảng Dân chủ Tự do ủng hộ mình. Lãnh đạo Công đảng nói rằng, ông muốn đàm phán về một thỏa thuận Brexit mới trong vòng 3 tháng và tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng 6 tháng.

Thứ ba, Công đảng chiếm đa số ghế.  Theo đó, đảng này sẽ có quyền kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ hai và bắt đầu chương trình cải cách kinh tế triệt để. Trong vòng 100 ngày đầu tiên, Công đảng dự kiến công bố ngân sách chấm dứt việc thắt lưng buộc bụng, bắt đầu quốc hữu hóa các ngành công nghiệp như đường sắt, nước; đồng thời đầu tư cho các dự án hạ tầng.  

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.