Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vừa khép lại ở Saudi Arabia mở ra cơ hội để các nước trong khu vực hóa giải bất đồng, tăng cường hợp tác, “chuyển từ bế tắc sang tiến bộ”. Song, việc hàn gắn những rạn nứt sẽ không dễ.
Lãnh đạo các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Hội nghị thượng đỉnh GCC ở Riyadh (Saudi Arabia). Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông điệp hòa giải và hợp tác được đưa ra tại các diễn đàn thường niên của GCC ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia trong lúc giữa Qatar và Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, có những bất đồng sâu sắc; thêm vào đó là những quan ngại về nguy cơ tấn công từ Iran.
Hãng AP cho biết, 6 thành viên GCC, bao gồm: Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Oman, Bahrain, đã thống nhất cần thúc đẩy hợp tác và hòa giải nhằm giải quyết rạn nứt trong khu vực vùng Vịnh.
Các nước cũng chia sẻ mục tiêu chung là hướng đến sự ổn định ở eo biển Hormuz, cửa ngõ đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới. Iran bị quy trách nhiệm về những vụ tấn công trong mùa hè vừa qua, trong đó có vụ tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Vụ tấn công khiến sản lượng dầu thô của Saudi Arabia giảm khoảng 5,7 triệu thùng/ngày (tương đương hơn 5% nguồn cung dầu thô toàn cầu). Trong lúc hội nghị thượng đỉnh GCC khai mạc vào ngày 10-12, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo rằng, không thể xác định Iran có liên quan vụ tấn công hay không nhưng cuộc điều tra vẫn được tiếp tục. Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdelaziz Al Saud nhấn mạnh: “Khu vực vùng Vịnh phải đoàn kết để đối mặt với sự khiêu khích từ Iran và các nước thuộc GCC phải tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo”.
Đối với khủng hoảng ngoại giao liên quan Qatar, Quốc vương nước chủ nhà đã mời Quốc vương của quốc gia Tây Á này, ông Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, tham dự hội nghị. Tuy nhiên, Quốc vương Qatar không có mặt vì bận chuyến thăm Rwanda và cử Thủ tướng Sheikh Abdullah bin Nasser Al Thani đến Riyadh. Dù vậy, theo hãng AFP, có những dấu hiệu dần “tan băng” giữa Doha và Riyadh; đồng thời sự hiện diện của Thủ tướng Sheikh Abdullah bin Nasser Al Thani cũng là tín hiệu hồi đáp tích cực từ Qatar.
Trong lúc hội nghị diễn ra, nhà nghiên cứu Samuel Ramani tại Đại học Oxford (Anh) nhận định: “Saudi Arabia có thể bình thường hóa quan hệ với Qatar và không cần những nhượng bộ lớn từ Doha”.
Căng thẳng bắt đầu từ ngày 5-6-2017 với việc Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại, vận tải với Qatar, cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố Huynh đệ Hồi giáo, can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực, đồng thời thân thiết với Iran. Tuy nhiên, Doha bác bỏ các cáo buộc này. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã đề ra bản yêu sách gồm 13 điểm và buộc Qatar thực hiện, trong đó có việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và hạ cấp quan hệ với Iran.
Theo ông Sigurd Neubauer, nhà phân tích về Trung Đông đang làm việc tại Mỹ, những vụ tấn công gần đây nhằm vào dầu mỏ ở vịnh Persian đặt ra yêu cầu các nước vùng Vịnh cần hóa giải bất đồng. “Mối đe dọa từ bên ngoài đối với GCC đáng kể hiện nay là Iran”, ông Neubauer nói. Nhà phân tích người Oman Abdullah Baabood cho rằng, các nền kinh tế ở vùng Vịnh và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của những nước này sẽ gặp rủi ro nếu khu vực bất ổn.
Thêm một dấu hiệu “tan băng” là Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã ngừng tẩy chay giải Bóng đá vùng Vịnh tại Doha, cử đội tuyển tham dự giải đấu từ ngày 24-11 đến 6-12. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định bất đồng sâu sắc, đáng kể nhất giữa hai nước UAE và Qatar được hóa giải hoàn toàn, mặc dù Mỹ và Kuwait đã nỗ lực làm trung gian hàn gắn. Bằng chứng là hội nghị thượng đỉnh GCC năm nay ban đầu dự kiến diễn ra ở UAE, nhưng sau đó dời đến Saudi Arabia để Qatar cử đại diện tham dự.
Dù sao những gì được thể hiện ở Riyadh cho thấy cơ hội hòa giải giữa Qatar và các nước ở vùng Vịnh là rất cao, rất quan trọng đối với một khu vực luôn được xem là “chảo lửa” và có “mùi thuốc súng”.
PHÚC NGUYÊN