Hòa bình vẫn là "món hàng xa xỉ"

.

Thế giới sắp bước vào năm 2020, năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Nhìn lại chặng đường đã qua, chắc hẳn không ít người nhận ra rằng, hòa bình vẫn là “món hàng xa xỉ” của nhiều quốc gia ở khắp các châu lục; trong đó nổi lên các vấn đề đầy gai góc mà nhiều nước phải đối phó như: nạn khủng bố, chiến tranh, xung đột sắc tộc, xung đột thương mại…

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu vực biên giới liên Triều vào ngày 30-6 cũng không thể giúp tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân hiện nay.  Ảnh: AP
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu vực biên giới liên Triều vào ngày 30-6 cũng không thể giúp tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân hiện nay. Ảnh: AP

Khủng bố lan tràn

Bước vào thế kỷ 21, khủng bố trở thành “cơn đại dịch” gây biết bao thảm họa cho nhân loại, nổi lên là Al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khét tiếng tàn bạo, có hệ thống chặt chẽ, chiêu mộ quân thánh chiến rộng khắp và có nguồn tài chính dồi dào. Thậm chí, IS có một thời gian chiếm cứ nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq, Syria và xây dựng một nhà nước tự xưng hùng mạnh để chống lại cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Al-Qaeda và IS có chân rết ở hàng chục quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi, liên tục gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Afghanistan, Iraq, Syria, Indonesia, Philippines, Sudan, Somali…, cướp đi mạng sống của hàng vạn dân thường vô tội.

Đến nay, cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng quốc tế tiến hành gần 20 năm vẫn chưa tiêu diệt hoàn toàn Al-Qaeda và IS. Cuối tháng 10-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định, cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi cũng như Osama bin Laden không đồng nghĩa với cuộc chiến chống khủng bố đi đến hồi kết, mà mở ra ngã rẽ khác, cam go và phức tạp cho cả cộng đồng quốc tế.

Chiến tranh và xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái

Sự kiện 11-9-2001 đã dẫn đến cuộc chiến tranh do Mỹ và các đồng minh phát động nhằm vào Afghanistan, sau đó là Iraq. Mặt khác, do chính sách sai lầm của Mỹ và phương Tây về vấn đề dân chủ, nhân quyền, họ kích động, bảo trợ “Cuộc cách mạng màu” và “Mùa xuân Arab”, tạo cơ hội cho IS và các phần tử thánh chiến khác phát triển lực lượng, hình thành các tổ chức khủng bố để dẫn đến sự rối loạn, thậm chí bùng phát chiến tranh, xung đột đẫm máu ở nhiều nước Trung Đông như: Syria, Yemen, Lybia, Ai Cập…

Bên cạnh đó, vấn đề tôn giáo, sắc tộc, hay quyền thành lập một Nhà nước Palestine bị cản trở đã dẫn đến các cuộc xung đột triền miên giữa Israel với Palestine.

Ở châu Phi diễn ra hàng loạt cuộc xung đột ở Nam Sudan, Somali…, cướp đi mạng sống hàng vạn người dân.

Vấn đề hạt nhân, biến đổi khí hậu và rác thải nhựa

Nhiều năm qua, Mỹ và các cường quốc vẫn đang loay hoay chưa tìm ra lối thoát căn bản cho vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, mà đang có dấu hiệu gia tăng bất đồng, thậm chí đối mặt với nguy cơ xung đột, như giữa Washington - Tehran là ví dụ cụ thể.

Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được xem là thành quả to lớn của cộng đồng quốc tế sau hàng chục năm đàm phán cam go, phức tạp. Nhiều nước đã tiến hành phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực. Thế nhưng, với tư cách là quốc gia chủ chốt trong việc cắt giảm khí thải, Mỹ đã tuyên bố rời bỏ thỏa thuận, tạo nên cú sốc lớn cho cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, do tác động của sự nóng lên của trái đất, sự tan chảy các khối băng khổng lồ ở Bắc Cực, đang có nguy cơ nhấn chìm nhiều đảo cũng như nhiều nước ven biển Thái Bình Dương.

Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết, diễn biến cực đoan gây ra hàng trăm cơn bão kinh hoàng, hay nắng hạn gay gắt…, đẩy hàng chục quốc gia lâm vào cảnh nghèo đói, thiếu lương thực…

Đi đôi với tình trạng nói trên là vấn nạn rác thải nhựa ra môi trường hàng trăm ngàn tấn, tràn ngập các đại dương, đe dọa nhiêm trọng hệ sinh thái biển. Tình trạng này cũng là thách thức lớn đối với con người.
Có thể nói, sau 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, có biết bao nhiêu biến động khó lường, từ những cuộc “đổi vai, đổi thế” trên chính trường giữa các cường quốc, đến những thay đổi khôn lường của trời đất, hay sự “bất an” của nền kinh tế thế giới… đã và đang tiếp tục đẩy nhân loại đứng trước những thách thức to lớn, không chỉ trong năm 2020 mà cả nhiều năm sau đó.

Căng thẳng thương mại “ăn miếng, trả miếng”

Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc suốt 2 năm liền thông qua hàng rào thuế quan lên đến hàng tỷ USD, sử dụng phương thức “ăn miếng, trả miếng”, gây những tác động tiêu cực đến hai nền kinh tế cũng như thế giới. Đến vòng đàm phán cấp cao thứ 13 tại Washington vào đầu tháng 10-2919, hai nước đã có bước hòa hoãn tạm thời, mở đường đạt được thỏa thuận “một phần” .

Nhưng về bản chất cuộc chiến thương mại với nhiều vấn đề cốt lõi như: ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và thực thi pháp luật… thì Mỹ - Trung vẫn còn nhiều dị biệt. Thậm chí, 2 hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, ZTE đã bị Nhà Trắng ra lệnh cấm giao dịch tuyệt đối vì lo ngại an ninh quốc gia.

Cuộc chiến thương mại còn xuất hiện giữa hai bờ Đại Tây Dương khi Washington khơi mào hàng rào thuế quan lên tới 25% vào nhiều hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện WTO xử Mỹ thắng kiện EU do tài trợ cho hãng máy bay Airbus với giá trị lên đến 7,5 tỷ USD.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.