Tháo gỡ bế tắc đàm phán Mỹ - Triều: Chạy đua trước "thời hạn cuối"

.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun kết thúc chuyến công cán ở Bắc Kinh vào ngày 20-12 mà không thiết lập được các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng trong lúc “thời hạn cuối” đang đến rất gần.

Trong tiến trình thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai, từ phải sang) nhiều lần gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: Reuters
Trong tiến trình thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai, từ phải sang) nhiều lần gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: Reuters

Ông Stephen Biegun - đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - không lên máy bay của hãng Air China tại sân bay quốc tế Bắc Kinh để đến Bình Nhưỡng, mà trở về nước vào tối 20-12 sau chuyến công du 3 nước châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo hãng Yonhap, đây là dấu hiệu cho thấy ông Biegun không đến Bình Nhưỡng. Nhà Xanh nói rằng, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì những nỗ lực thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên vẫn được tiếp tục.

Ông Biegun đến Trung Quốc nhằm đề nghị Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Yonhap cho rằng, có thể ông Biegun cũng đã thúc giục Trung Quốc không phá vỡ giới hạn và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong lúc Bắc Kinh và Moscow đề xuất dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để kêu gọi dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt (cụ thể là các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản, dệt may), đồng thời nối lại đàm phán 6 bên.

Điều đáng nói là những lời kêu gọi của ông Biegun không nhận được câu trả lời công khai từ phía Triều Tiên. Sự im lặng của Bình Nhưỡng đang gây lo ngại cho các nước liên quan ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo của 3 quốc gia này sẽ nhóm họp ở Trung Quốc vào tuần tới, chủ yếu bàn thảo về vấn đề Triều Tiên. “Không có bất kỳ tuyên bố nào từ các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao (Triều Tiên)”, Giám đốc điều hành trang web 38 North, Jenny Town, nói trên Twitter.

Ông Kim Jong-un đặt ra “tối hậu thư” rằng, cuối năm nay là thời điểm để Mỹ có những nhượng bộ mới trong đàm phán xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Mỹ sẽ tự quyết định “món quà Giáng sinh” của mình. Chưa rõ “món quà Giáng sinh” là gì, nhưng kể từ tháng 5-2019 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm gây sức ép với Mỹ.

Các nhà quan sát dự báo khả năng mối quan hệ Mỹ - Triều căng thẳng trở lại trong năm 2020 và Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các vụ thử vũ khí/tên lửa lớn. Vì vậy, các chính trị gia, nhà ngoại giao và giới phân tích trên thế giới tranh luận về cách thức cứu vãn đàm phán. Ngày 18-12 vừa qua, 4 nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ viết thư gửi Tổng thống Donald Trump, thúc giục những nỗ lực của Washington trong việc thiết lập hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, vốn đang bế tắc và bên bờ thất bại.

“Chúng tôi nhắc lại hy vọng rằng, ngài sẽ thực hiện một kế hoạch ngoại giao nghiêm túc trước khi quá muộn”, bức thư nêu rõ, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời nhằm “đóng băng”, giảm một số chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cùng với việc giảm áp lực từ những biện pháp trừng phạt. “Một thỏa thuận như thế tất nhiên chỉ là bước đi đầu tiên trong tiến trình dài hơn, nhưng dù sao đó cũng là nỗ lực quan trọng để tạo ra một tiến trình ngoại giao thực sự và bền vững vốn cần thiết”, các nghị sĩ bày tỏ quan điểm.

Trung Quốc gọi việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên là “kế hoạch tốt nhất trong tình hình hiện tại để giải quyết bế tắc”. Trong lúc đó, Mỹ không muốn dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào vào thời điểm này, nhưng sẵn sàng linh hoạt trong đàm phán. Một chuyên gia thuộc Viện Chiến lược an ninh quốc gia (INSS) cho rằng, trong thông điệp chào năm mới 2020, ông Kim Jong-un có thể tuyên bố đình chỉ đàm phán hạt nhân với Mỹ; hoặc tuyên bố này sẽ được đưa ra khi đảng Lao động Triều Tiên nhóm họp.

Ngày 24-12, Nhật - Hàn họp thượng đỉnh

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp gỡ tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào ngày 24-12, bên lề cuộc họp 3 bên Nhật - Hàn - Trung. Nhà Xanh cho rằng, lần gặp thượng đỉnh song phương này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề thương mại và lịch sử.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.