Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya được quốc tế công nhận đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh - quân sự và thỏa thuận phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước. Song, động thái này vấp phải sự phản đối của nhiều nước và có nguy cơ xảy ra tranh chấp tài nguyên ở Địa Trung Hải.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ tân Tổng thống Tunisia Kais Saied để bàn thảo giải pháp chính trị cho Libya. Ảnh: AFP |
Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho chính phủ Libya được quốc tế công nhận (GNA) - lực lượng đang kiểm soát thủ đô Tripoli và một số khu vực ở miền tây. Còn thỏa thuận phân định quyền tài phán trên biển cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận vùng kinh tế đang tranh chấp ở phía đông Địa Trung Hải, nghĩa là Ankara có thể thực hiện khoan thăm dò ở thềm lục địa của Libya, với sự cho phép của chính phủ quốc gia Bắc Phi này.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền của nước này theo luật pháp quốc tế và Ankara cũng sẵn sàng ký các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác trên nguyên tắc “chia sẻ công bằng” nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, theo Hy Lạp và Cyprus - vốn tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về lãnh hải trong nhiều thập niên qua, thỏa thuận nói trên vi phạm luật biển quốc tế và phá hoại các dự án phát triển khai thác khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải. Hy Lạp đã trục xuất Đại sứ Libya tại Athens và đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 12-12 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố ủng hộ các nước thành viên Hy Lạp và Cyprus. EU dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì chuyện khoan trái phép ở vùng biển ngoài khơi Cyprus, nhưng Ankara hy vọng thỏa thuận đạt được với Libya sẽ giúp hợp pháp hóa dự án khai thác của họ.
Trong khi đó, theo Reuters, Ai Cập và Israel cảnh báo, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và Libya có thể đe dọa khả năng xuất khẩu khí đốt của Cairo và Tel Aviv sang châu Âu. Ai Cập và Israel đã đầu tư rất nhiều vào việc khai thác năng lượng ở khu vực. Ai Cập gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ và Libya “bắt tay” trong các thỏa thuận là bất hợp pháp, còn Israel cho rằng điều này có thể “gây nguy hiểm cho hòa bình và sự ổn định ở khu vực”.
Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện nước này sẵn sàng hành động cứng rắn khi giải quyết các tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus, hoặc buộc phải tiến hành đàm phán mới về những tranh chấp dai dẳng này. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn ngăn cản những nỗ lực của Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel trong dự án phát triển khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Đường ống trị giá 7-9 tỷ USD này chạy từ Israel đến Hy Lạp và vào mạng lưới khí đốt của châu Âu thông qua Ý, nhưng sẽ phải đi qua vùng đặc quyền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - Libya.
Với Libya, mục tiêu chính khi ký các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề an ninh. Các thỏa thuận này do Thủ tướng Fayez al-Serraj, đứng đầu GNA ký. GNA xung đột với lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở đông Libya. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ; Tướng Haftar được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga, Pháp. Quốc hội ở đông Libya cũng bác bỏ thỏa thuận phân định quyền tài phán trên biển giữa Libya và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích còn hoài nghi và khả năng tồn tại của việc phát triển khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải bởi những khó khăn trong việc xuất khẩu và giá cả, trong khi châu Âu tràn ngập khí đốt giá rẻ từ Nga và Qatar. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và Libya càng làm tình hình thêm phức tạp.
Ngày 25-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ thăm Tunisia để bàn thảo hợp tác để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Libya. Ông Erdogan khẳng định với Tổng thống Tunisia Kais Saied rằng, chính phủ Libya được quốc tế công nhận (GNA) đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội đến Tripoli để bảo vệ thủ đô chống lại các cuộc tấn công của lực lượng đối lập. Ông Erdogan cho hay, tình hình ở Libya có tác động tiêu cực đến các quốc gia láng giềng, trong đó có Tunisia. Trở về Ankara, ngày 26-12, ông Erdogan nói rằng, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tuần tới sẽ bỏ phiếu về việc đưa quân đến Libya. |
PHÚC NGUYÊN