Tổng thống Donald Trump bị luận tội: Ngày lịch sử ở Mỹ

.

Sau gần 12 tiếng tranh luận gay gắt, tối 18-12 (giờ Mỹ), Hạ viện đã bỏ phiếu phê chuẩn 2 điều khoản luận tội với Tổng thống Donald Trump, khiến ông chính thức trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ nhận hình phạt này.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và một số thành viên đảng Dân chủ tổ chức họp báo sau cuộc bỏ phiếu luận tội.         							           Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và một số thành viên đảng Dân chủ tổ chức họp báo sau cuộc bỏ phiếu luận tội. Ảnh: Reuters

Bất chấp một vài lá phiếu “lạc loài” trong Dân chủ như 2 phiếu phản đối điều khoản luận tội thứ nhất cáo buộc Tổng thống Donald Trump lạm quyền, 3 phiếu phản đối điều khoản buộc tội ông cản trở cuộc điều tra của Quốc hội và 1 phiếu chỉ báo “có mặt” mà không bày tỏ đồng thuận hay phản đối của ứng cử viên tổng thống Tulsi Gabbard (bang Hawaii) với cả hai điều khoản luận tội, đảng Dân chủ vẫn có đủ số phiếu cần thiết (230 phiếu thuận/197 phiếu chống) để chính thức luận tội Tổng thống đương nhiệm. Thực tế, việc Hạ viện bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội ông Trump đã được dự báo nên kết quả chỉ là vấn đề thủ tục, không gây ngạc nhiên.

Nội dung cáo buộc chính trong tiến trình luận tội là việc Tổng thống Trump lợi dụng một cuộc họp tại Nhà Trắng và khoản tài trợ quân sự với Ukraine để gây sức ép với chính phủ nước này, yêu cầu Tổng thống Volodymyr Zelensky phải mở cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Hunter Biden - con trai ông Biden. Ông Trump cũng gây sức ép để buộc Ukraine điều tra một giả thuyết cáo buộc rằng Kiev đã cấu kết với đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Sau phiên bỏ phiếu toàn thể tại Hạ viện, theo báo Washington Post, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, bà có thể không gửi ngay các điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện. Một số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đề nghị bà Pelosi trì hoãn việc gửi các điều khoản luận tội vì cho rằng những người Cộng hòa tại Thượng viện sẽ không tổ chức phiên xử toàn thể.

Như vậy, ông Trump đã chính thức bị Hạ viện luận tội, nhưng không có nghĩa ông sẽ bị phế truất. Với kết quả bỏ phiếu, phiên xét xử 2 điều khoản luận tội sẽ được tiến hành tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số. Tại cơ quan lập pháp này, phải có 2/3 số phiếu thuận, ông Trump mới bị bãi nhiệm. Phiên xử tại Thượng viện, theo tạp chí Vox (Mỹ), sẽ do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chủ trì mặc dù phiên xử này sẽ diễn ra như thế nào hiện vẫn là vấn đề tranh cãi. Tạp chí Vox cho biết, tại phiên xử này, Hạ viện đóng vai trò công tố viên, họ sẽ chọn nhóm đại diện luận tội để trình bày các luận điểm chống lại Tổng thống. Trong khi đó, các luật sư của Tổng thống sẽ đóng vai trò là nhóm bào chữa.

Tổng thống không cần có mặt trực tiếp tại phiên xử và trong lịch sử cũng chưa tổng thống nào có mặt trực tiếp trong 2 phiên tòa luận tội trước đây. Chánh án Tòa án Tối cao sẽ chủ trì phiên xử tại Thượng viện và chịu trách nhiệm đưa ra những phán quyết. Tuy nhiên, Thượng viện có thể bỏ phiếu để bác bỏ phán quyết của Chánh án.

Mặc dù phiên xử tại Thượng viện được nhắc tới như một phiên tòa xét xử nhưng đây là thủ tục chính trị hơn là thủ tục pháp lý. Hơn nữa, việc tổ chức phiên xử theo cách thức như thế nào sẽ tùy thuộc vào quyết định của Thượng viện, chẳng hạn họ có thể gọi các nhân chứng tới để trình bày lời khai trực tiếp (giống như đã làm với cựu Tổng thống Andrew Johnson), hoặc quyết định không cần làm vậy (như họ từng áp dụng với cựu Tổng thống Bill Clinton).

Nói chung, bất kể phiên xử ở Thượng viện được cấu trúc theo cách nào thì cũng sẽ kết thúc bằng việc các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu với 2 tội danh dành cho ông Trump. Tổng thống đương nhiệm sẽ bị phế truất nếu đạt 67 phiếu thuận với một hoặc cả hai điều khoản luận tội.

Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa đang nắm 53 ghế, đảng Dân chủ nắm 45 ghế, 2 ghế của các thượng nghị sĩ độc lập (những người thường bỏ phiếu ủng hộ phe Dân chủ). Qua đó, có thể thấy để Tổng thống Trump bị “hất” khỏi Nhà Trắng, phải có 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa “trở cờ”, quay ra bỏ phiếu kết án ông. Khả năng này là rất khó xảy ra, nếu không muốn nói là không tưởng.

Trong trường hợp ông Trump bị loại khỏi Nhà Trắng, các ứng cử viên thay thế ông sẽ lần lượt là: Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Chuck Grassley, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin.

* Ngày 12-8: Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc lạm quyền.

* Ngày 24-9: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi yêu cầu điều tra các cáo buộc chống lại ông Trump.

* Ngày 13-11: Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ tổ chức điều trần công khai.

* Ngày 4-12: Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tổ chức điều trần.

* Ngày 13-12: Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua 2 bản luận tội ông Trump lạm quyền và cản trở Quốc hội tiến hành điều tra luận tội.

* Ngày 18-12: Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội ông Trump, mở đường để Thượng viện mở phiên tòa xem xét bãi nhiệm ông Trump vào tháng 1-2020.

Lá phiếu “có mặt” của bà Tulsi Gabbard

Với lá phiếu “có mặt” (không thuận, không chống), bà Tulsi Gabbard, ứng cử viên tổng thống Mỹ đã gây chú ý đặc biệt với truyền thông trong ngày lịch sử khi Tổng thống Donald Trump chính thức bị luận tội. Mặc dù lá phiếu của bà Gabbard không ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc, nhưng cho thấy rõ ràng hơn lập trường do dự của bà nghị sĩ bang Hawaii về vấn đề luận tội ông Trump. “Sau khi nghiên cứu báo cáo luận tội dài 658 trang, tôi quyết định không thể bỏ phiếu hoặc có hoặc không”, bà Gabbard chia sẻ với báo giới sau khi kết quả bỏ phiếu toàn thể tại Hạ viện được chính thức công bố.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.