Trung Quốc dẫn đầu nhóm 4 nước mới nổi hàng đầu thế giới (bao gồm Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ) phản đối “đàm phán mất cân bằng” tại hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ) về khí hậu (COP25) diễn ra ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) ngày 13-12. Bắc Kinh kêu gọi các nước giàu có hơn tài trợ tiền để chống lại biến đối khí hậu.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, phái đoàn Trung Quốc cho rằng, thời gian sắp hết và cần có thêm áp lực đối với những nước phát triển để đạt được thỏa thuận trong năm nay. Trung Quốc đã cam kết duy trì Thỏa thuận Paris - hiệp định duy nhất mang tính ràng buộc toàn cầu để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, và tạo ra một quốc gia xanh.
Song, các nhóm môi trường cũng như nhiều nhà ngoại giao và đàm phán tại COP25 không hài lòng về tuyên bố của Trung Quốc khi Bắc Kinh ủng hộ đe dọa của Brazil rằng sẽ ngăn chặn thỏa thuận điều tiết thị trường carbon. Nếu các thị trường carbon không được thiết kế hợp lý thì có thể dẫn tới những tác động ngược, khiến tổng lượng khí thải toàn cầu tăng lên, đây cũng là bất đồng giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước giàu có.
Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn. Theo LHQ, mức đóng góp hiện nay chưa đủ để giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Hãng AFP dẫn báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy, cam kết của các nước về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Để mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, phải giảm lượng khí thải CO2 mỗi năm 7,6% trong vòng 10 năm tới, nhưng sẽ khó đạt mục tiêu này.
BÌNH YÊN