Việc Iran bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine dẫn đến cái chết của 176 người là thảm kịch kinh hoàng. Giờ đây, Iran hứng chịu chỉ trích của chính người dân trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Nến và hoa được đặt trước di ảnh của các nạn nhân ở sân bay quốc tế Boryspil bên ngoài thủ đô Kiev (Ukraine). Có 11 công dân Ukraine thiệt mạng trong thảm kịch này. Ảnh: Reuters |
Trong số các nạn nhân có 82 người Iran; Canada: 63; Ukraine: 11; Thụy Điển: 10; Đức: 3 và Anh: 3. Tướng Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã nói về “lỗi vô ý” và nhận hoàn toàn trách nhiệm. Một câu hỏi đặt ra: Iran sẽ đáp ứng đòi hỏi điều tra minh bạch và toàn diện đến đâu, đồng thời xử trí những ai phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Làn sóng biểu tình khắp Iran
Mặc dù Iran thừa nhận IRGC nhầm chiếc máy bay Boeing 737-800 số hiệu PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine là tên lửa hành trình và bối cảnh căng thẳng với Mỹ đã khiến họ khai hỏa về phía máy bay chở khách, nhưng lý giải này cùng “lời xin lỗi chân thành” không thể biện minh cho sai lầm khủng khiếp. Chính phủ Tehran đang đối mặt với phản ứng tức giận của chính người dân trong nước bởi có đến 82 công dân Iran thiệt mạng trong thảm kịch này. Hàng trăm người biểu tình tập trung biểu tình trên khắp Iran, từ thủ đô Tehran đến các thành phố lớn như Shiraz, Isfahan, Hamedan và Orumiyeh, yêu cầu lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei từ chức, thậm chí đòi đưa ông ra tòa. Nhiều người bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội, chỉ trích chính phủ nói dối và cho rằng trong căng thẳng với Mỹ, rốt cuộc nạn nhân là những công dân vô tội.
Báo chí của nước Cộng hòa Hồi giáo ngày 12-1 tưởng niệm 176 nạn nhân bằng cách in màu đen ở trang nhất. Nhật báo Etemad có dòng chữ “Xin lỗi, từ chức”. Trang nhất của tờ Arman-e Meli đăng: “Không thể tin được”. Tờ Javan có quan hệ thân thiết với IRGC đăng dòng chữ ở trang nhất: “Xin lỗi sâu sắc vì sai lầm đau đớn”.
Hãng Reuters cho rằng, sự tấn công của báo chí và làn sóng biểu tình tạo ra thách thức lớn cho chính phủ Iran, vốn từ tháng 11-2019 đã đối mặt với bất ổn nghiêm trọng nhất xung quanh việc tăng giá nhiên liệu.
Khủng hoảng ngoại giao
Đại sứ Anh tại Tehran Rob Macaire bị lực lượng an ninh Iran bắt giữ sau khi tham dự buổi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng ở Đại học Công nghệ Amirkabir. Ông Macaire được thả ra ngay sau đó, nhưng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi việc bắt giữ này là “vi phạm trắng trợn luật quốc tế. Ngày 12-1, ông Macaire viết tweet khẳng định không tham gia bất kỳ cuộc biểu tình nào, mà chỉ có mặt tại buổi tưởng niệm 5 phút rồi rời đi.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đòi công lý cho các nạn nhân. “Bắn một máy bay dân sự là điều kinh khủng. Iran phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Canada sẽ không ngồi yên cho tới khi công lý, trách nhiệm được giải trình và cái kết mà gia đình các nạn nhân nhận được”, ông Trudeau nói, đồng thời cho rằng cần điều tra toàn diện để xác định xem vụ việc này có thực sự là nhầm lẫn và Iran phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Ông Trudeau là nhà lãnh đạo đầu tiên công khai quy trách nhiệm cho Iran.
Với Ukraine, nước này hiện yêu cầu Iran phải bồi thường và đưa 11 thi thể công dân Ukraine về nước trước ngày 19-1. Ngay từ đầu sau khi xảy ra thảm họa, Văn phòng Tổng thống Ukraine đăng tải hình ảnh những vết thủng trên thân máy bay Boeing 737-800, điều này cho thấy các chuyên gia Kiev đã nắm trong tay bằng chứng để buộc Iran công khai thừa nhận “sai lầm không thể tha thứ”.
Trừng phạt
Các nước phương Tây có thể sử dụng các phương tiện gây áp lực đối với Iran, nhất là về ngoại giao, mặc dù họ vẫn muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Lệnh trừng phạt của Mỹ đặc biệt nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran thời gian qua đã đẩy nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này vào suy thoái. Theo Reuters, việc Mỹ gia tăng trừng phạt Iran là đương nhiên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 8 quan chức hàng đầu của Iran và hơn 10 nhà sản xuất kim loại hàng đầu tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Sau khi Iran phóng hàng chục tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa vụ ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, đẩy Washington và Tehran đến bên bờ chiến tranh. Song, không có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Iran quan tâm lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Nhật và Ngoại trưởng Pakistan đến Trung Đông Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang có chuyến công du 5 ngày đến Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman kể từ ngày 11-1 với hy vọng giúp giảm căng thẳng ở khu vực. Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết, ở mỗi chặng dừng chân, Thủ tướng Abe kêu gọi hợp tác nhằm bảo đảm sự ổn định trong việc cung cấp năng lượng và an toàn của các tàu thuyền. Trong những tháng gần đây, ông Abe nỗ lực thể hiện vai trò của Nhật Bản là trung gian giữa Mỹ và Iran, một bên là đồng minh và một bên có mối quan hệ lâu dài với Tokyo. Ngày 12 và 13-1, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đến Iran và Saudi Arabia nhằm xoa dịu căng thẳng ở khu vực. Trong nhiều thập niên qua, Pakistan luôn nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Tehran và Riyadh. |
VĨNH AN