Đức làm cầu nối để thúc đẩy các bên xung đột tại Libya ngồi vào bàn đối thoại nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào quốc gia Bắc Phi này. Song, giải pháp hòa bình lâu dài cho Libya vẫn là bài toán khó.
Một khu vực ở ngoại ô thủ đô Tripoli bị tàn phá sau một cuộc không kích. Ảnh: CNN |
Thủ tướng Đức Angela Merkel mời các nhà lãnh đạo của 12 nước, cùng Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab (AL) đến Berlin vào ngày 19-1 để tham dự hội nghị thượng đỉnh về xung đột ở Libya. Hãng AP cho rằng, hội nghị có tạo ra tiến triển thực sự hay không thì vẫn chưa rõ, nhưng việc các bên liên quan cùng ngồi vào bàn nghị sự là thành công lớn. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas mô tả hội nghị tại Berlin là “cơ hội tốt nhất về lâu dài” đối với các cuộc hòa đàm ở Libya và người dân Libya sẽ tận dụng cơ hội này để có thể quyết định tương lai của đất nước. Tại sân bay Istanbul ngày 19-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nói rằng, hội nghị là một bước quan trọng nhằm củng cố lệnh ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Libya.
Kể từ khi Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong hỗn loạn. Có hai chính phủ được hình thành với lực lượng vũ trang riêng: chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở thủ đô Tripoli và được LHQ công nhận, trong khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ; còn LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Cả Thủ tướng Fayez al-Sarraj lẫn ông Khalifa Haftar đều được mời đến Berlin.
Tháng 4-2019, LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli với danh nghĩa truy quét tàn dư khủng bố. Giao tranh làm hàng nghìn người thương vong, hơn 150.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người hiện trông chờ viện trợ nhân đạo.
Ngày 9-1-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các bên liên quan thực thi lệnh ngừng bắn tại Libya. Cả GNA và LNA đều thống nhất ngừng bắn nhưng Tướng Khalifa Haftar không chịu ký thỏa thuận ngừng bắn.
Theo hãng AFP, ưu tiên hàng đầu của Đức giờ đây là thuyết phục các cường quốc ngừng can thiệp vào cuộc xung đột bằng việc hỗ trợ vũ khí, quân đội và tài chính, tránh biến Libya thành “Syria thứ hai”; thiết lập tiến trình chính trị, tạo cơ hội để Libya trở thành quốc gia có chủ quyền và hòa bình. Hơn nữa, Đức cũng muốn ngăn xung đột Libya tạo thêm bất ổn cho khu vực, làm gia tăng làn sóng tị nạn tràn vào châu Âu. Cộng đồng quốc tế càng thêm lo lắng khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề xuất của Tổng thống Erdogan đưa quân đội Thổ vào Libya để ủng hộ chính phủ GNA.
Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đến Libya để gặp Tướng Hifter và cho biết vị chỉ huy này cam kết tôn trọng lệnh ngừng bắn mặc dù ông đã rời thủ đô Moscow mà không chịu ký thỏa thuận. Ngày 17-1, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động ở miền đông Libya - lực lượng trung thành với Tướng Hifter - kêu gọi phong tỏa các cảng dầu, tạo ra thách thức đối với chính quyền ở Tripoli, vốn dựa vào nguồn thu từ việc sản xuất dầu.
Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame cho rằng, tất cả sự can thiệp của nước ngoài đều tạo ra tác động ít hay nhiều, nhưng điều mà Libya cần trong lúc này là chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài. LHQ muốn các bên ký vào một kế hoạch để tránh can thiệp vào tình hình Libya.
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh ở Berlin có thể tạo ra phản ứng đối với một số nước Bắc Phi vắng mặt như Maroc, Tunisia, và cả quốc gia châu Âu như Hy Lạp. Bởi vậy, chưa thể nói được gì về triển vọng của hội nghị. Nhưng nếu sự kiện này thành công sẽ là bước ngoặt lớn, mở ra cơ hội cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện, vì lợi ích cho người dân và trẻ em Libya.
VĨNH AN