Iran xem lực lượng Mỹ là khủng bố

.

Quốc hội Iran thông qua dự luật xem tất cả lực lượng Mỹ là khủng bố, trong lúc hàng chục ngàn người có mặt ở Kerman - quê nhà của Thiếu tướng Qassem Soleimani - để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong tang lễ của Tướng Qasem Soleimani ở Kerman ngày 7-1, đám đông giẫm đạp lên nhau làm ít nhất 35 người chết và 48 người khác bị thương. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong tang lễ của Tướng Qasem Soleimani ở Kerman ngày 7-1, đám đông giẫm đạp lên nhau làm ít nhất 35 người chết và 48 người khác bị thương. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo dự luật được Quốc hội Iran thông qua ngày 7-1, tất cả lực lượng quân sự Mỹ và nhân viên của Lầu Năm Góc cùng các tổ chức, mật vụ, tư lệnh liên quan và những ai đã ra lệnh giết Tướng Soleimani đều bị xem là “những kẻ khủng bố”. Chính phủ Iran sẽ cung cấp cho lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) 200 triệu euro thông qua Quỹ phát triển quốc gia, nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng này.

Tại tang lễ của ông Soleimani ở Kerman, phía tây nam Iran, đám đông đã giẫm đạp lên nhau khiến ít nhất 35 người chết và 48 người khác bị thương. Cái chết của những người này càng thổi bùng lên ngọn lửa tức giận ở Iran. Hãng Reuters dẫn lời Chuẩn đô đốc Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo đang xem xét 13 kịch bản đáp trả Mỹ và “thậm chí nếu kịch bản yếu nhất được nhất trí tiến hành thì đó vẫn sẽ là cơn ác mộng lịch sử với người Mỹ”. Trước hàng chục ngàn người đang tụ tập tại quảng trường trung tâm ở Kerman - quê nhà của Tướng Soleimani, Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami dọa sẽ “thắp sáng” những nơi có sự chống lưng của Mỹ, hàm ý chỉ Israel.

Đến nay, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu vẫn hoàn toàn im lặng về vụ không kích ở sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) hôm 3-1 dẫn đến cái chết của Tướng Soleimani. Các bộ trưởng Israel dẫn lời ông Netanyahu rằng, “vụ ám sát Tướng Soleimani không phải là chuyện của Israel mà là chuyện của Mỹ. Chúng tôi không liên quan”. Theo ông Netanyahu, Israel không nên bị kéo vào cuộc xung đột đang leo thang và lo sợ nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công từ Hamas ở lãnh thổ Palestine, hay từ lực lượng Hezbollah - đồng minh của Iran - ở nước láng giềng Lebanon. Không những Israel mà cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tuyên bố không liên quan vụ không kích.

Một sự việc đáng chú ý là Mỹ đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh để Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tham dự cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ở New York vào ngày 9-1, và dẫn các lý do “an ninh, khủng bố, chính sách ngoại giao”. Theo AFP, cuộc họp của HĐBA sẽ là diễn đàn để ông Zarif công khai chỉ trích việc Mỹ ám sát Tướng Soleimani.

Mỹ và các đồng minh Trung Đông đang cảnh giác cao độ nhằm ứng phó màn đáp trả của Iran.

Washington điều 6 máy bay ném bom B-52 đến đảo Diego Garcia thuộc Anh để chuẩn bị các cuộc không kích chống Iran. Căn cứ Ấn Độ Dương cách phía nam Iran 2.400 dặm, trong phạm vi bay của các máy bay ném bom chiến lược Mỹ nhưng ngoài tầm bắn của các tên lửa Iran. Theo CNN, Mỹ điều hành một căn cứ không quân bí mật ở Diego Garcia và chính phủ London ít có quyền kiểm soát hoạt động của quân sự Mỹ trên đảo này, nghĩa là các bộ trưởng Anh khó có thể ngăn cản Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công Iran từ lãnh thổ của vương quốc này.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.