Các ngân hàng Trung ương được cho là đã quay trở lại với việc “in thêm tiền, mua tài sản, hạ lãi suất” và tất cả điều này sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế thế giới.
Theo dự báo của Công ty USB Wealth Management (Thụy Sĩ), nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 6% trong năm 2020. Trong ảnh: Một xưởng lắp ráp ti-vi tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
Nhiều chuyên gia tin rằng, khó có chuyện khủng hoảng kinh tế trở lại trong năm 2020 ngay cả khi thương chiến Mỹ - Trung kéo dài, chính trường Mỹ căng thẳng và nguy cơ xảy ra những bất đồng thương mại mới.
Những diễn biến tích cực
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gần đây dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 giảm còn 2,9%, mức thấp nhất kể từ khi kinh tế thế giới suy thoái vào năm 2009. Theo OECD, thương chiến Mỹ - Trung đang đè nặng lên thương mại và đầu tư trong 2 năm qua dù có những dấu hiệu cho thấy tình hình tạm hạ nhiệt với thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” công bố trong tháng 12-2019. Sự lạc quan có thể không nhiều bởi hai nước vẫn duy trì các mức thuế quan được áp dụng trước đó nên cần không ít thời gian để xoa dịu tác động của chúng. So với OECD, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tỏ ra ít bi quan hơn về kinh tế toàn cầu năm 2020 khi dự báo về mức tăng trưởng 3,4% dù không quên cảnh báo về “sự hồi phục không chắc chắn”.
Theo tạp chí Investors Chronicle (Anh), so với vài tuần trước, các nhà kinh tế cũng đang bước sang năm 2020 với tâm trạng bớt lo hơn về “sức khỏe” kinh tế thế giới. Một lý do là “màn trình diễn” của đường cong lợi suất (Yield Curve) tại Mỹ. Hồi tháng 5-2019, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của nước này xuống thấp hơn so với lãi suất quỹ liên bang, dẫn đến hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược và nỗi lo kinh tế toàn cầu sắp suy thoái như từng xảy ra trong quá khứ. Dù vậy, nhờ các bước đi cắt giảm lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đường cong lợi suất đang đi lên. Chi nhánh FED ở thành phố New York cuối năm 2019 dự báo nguy cơ xảy ra suy thoái vào năm 2020 chỉ khoảng 25%, so với mức gần 40% vài tuần trước đó.
Lý do lạc quan còn đến từ Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 11-2019 do Caixin/Markit công bố gần đây. Cụ thể, con số này tăng lên 51,8 - mức cao nhất kể từ tháng 1-2017, nhờ sản lượng công nghiệp và đơn hàng xuất khẩu tăng. Chuyên gia Mickey Levy của Ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức) chỉ ra rằng, chỉ số này có mối tương quan mật thiết với sự tăng trưởng sản xuất toàn cầu trong thời gian gần đây.
Nhiều yếu tố khó lường
Chuyên gia Adrian Zuercher của Công ty Quản lý tài sản UBS Global Wealth Management (Thụy Sĩ) thậm chí còn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2020, nhất là trong quý 4, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung “xuống thang” và chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương phát huy tác dụng. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Zuercher cho biết, những diễn biến căng thẳng về thương mại đang ảnh hưởng đến dự báo của công ty về bức tranh kinh tế năm 2020. Đáng chú ý, thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đang áp lên hàng hóa của nhau là “một trong những rủi ro chính” đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới.
Cũng theo ông Zuercher, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào đầu năm 2018, kinh tế châu Á đã theo chiều hướng đi xuống nhưng thương chiến không phải là yếu tố duy nhất khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm. Một yếu tố khác là các ngân hàng Trung ương trong giai đoạn này bắt đầu chấm dứt một số biện pháp “kích thích tăng trưởng” được thực thi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Giờ đây, các ngân hàng Trung ương quay trở lại với việc “in thêm tiền, mua tài sản, hạ lãi suất” và tất cả điều này sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế thế giới.
Bất chấp những dự báo tích cực trên, chính trị vẫn tiếp tục là yếu tố khó đoán đối với nền kinh tế thế giới trong 12 tháng tới. Tại Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng thêm nóng sau khi Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện luận tội. Trong khi đó, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) nhiều khả năng về đích sau khi Thủ tướng Boris Johnson chiến thắng vang dội trong canh bạc bầu cử vừa qua. Chưa hết, một mặt trận mới có thể xuất hiện trong các cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo này đe dọa đánh thuế trả đũa Pháp vì động thái áp thuế số lên những đại gia công nghệ của Mỹ, trong đó có Amazon, Facebook và Google. Châu Âu lập tức cảnh báo sẽ đứng về phía Pháp trong cuộc đối đầu mới này.
Tình hình thị trường dầu cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm trong thời gian tới. Nhu cầu toàn cầu yếu trong khi nguồn cung dồi dào từ các nhà khai thác dầu đá phiến ở Mỹ góp phần giữ giá dầu không có nhiều biến động trong năm 2019 (bình quân 56,95 USD/thùng đối với dầu thô ngọt nhẹ ở Mỹ). Theo Reuters, hầu như không có lần tăng giá dầu đột biến nào xảy ra bất chấp xảy ra vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu ở Saudi Arabia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela, Iran và động thái cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu nhiều dầu.
Dù vậy, một số chuyên gia dự báo rằng, nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn dự kiến hoặc nguồn cung trở nên kém dồi dào, giá dầu có thể tăng đáng kể trong năm 2020. Họ cũng cảnh báo thêm về nguy cơ bất ổn kinh tế và chính trị xuất phát từ giá dầu tăng cao.
Kinh tế Mỹ - Trung cùng suy thoái? Một cuộc khảo sát gần đây của Trường Đại học Duke (Mỹ) cho thấy, phân nửa giám đốc tài chính được hỏi đã dự báo về một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2020. Dù vậy, theo Financial Times, có nhiều tín hiệu cho thấy kịch bản tiêu cực này có thể không xảy ra, trong đó nổi bật là tỷ lệ thất nghiệp thấp trong khi công ăn việc làm được tạo ra nhiều thêm. Trong khi đó, tạp chí The Diplomat đã chỉ ra một loạt thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc khi nước này bước vào năm 2020. Nguy cơ hàng đầu đến từ món nợ hiện lên đến 300% GDP, trong đó phần lớn là nợ doanh nghiệp. Công ty USB Global Wealth Management (Thụy Sĩ) dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm xuống dưới 6% năm 2020 do tác động của thương chiến với Mỹ và sự hạ nhiệt của đầu tư vào hạ tầng. |
HOÀI PHƯƠNG