Chúng không biết chạy trốn, chỉ biết leo lên cây, cuộn mình chờ chết. Một cách đau đớn bởi đó là chết thiêu.
Bên cạnh những con thú khác như kangaroo - người Việt mình gọi là “chuột túi” - hình ảnh những con koala - một loại gấu nhỏ - bị cháy đen hoặc ngơ ngác đứng nhìn biển lửa chẳng thể nào không gây xúc động.
Với tôi, sự xúc động còn trào dâng, bởi tôi thường xuyên qua lại Sydney, từ đó cũng đi một số nơi khác của nước Úc. Nhưng chủ yếu tôi đến Sydney thuộc bang New South Wales, nơi những ngọn lửa vẫn đang tiếp tục hoành hành dữ dội, biến bang này thành nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ tháng 9-2019 đến nay, những cánh rừng New South Wales tiếp tục cháy, và lửa bùng phát khủng khiếp kể từ đầu tháng 11-2019. Những thống kê gần đây đều cho thấy số người chết thật ra không nhiều đối với một đại thảm họa - chưa tới 30 người, ngoài ra là hàng nghìn người mất nhà cửa và hàng nghìn trường hợp khác phải sơ tán. Vậy nhưng, “bão lửa” ở Úc gây bàng hoàng cho cộng đồng thế giới, nhất là khi hơn 1,25 tỷ động vật đã chết vì cháy rừng, theo ước tính mới nhất của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) ở Úc. Dù sao con người cũng biết tự bảo vệ mình, trong khi những con thú rừng như koala - một trong những con thú biểu tượng của nước Úc - thì quả thật đáng thương, chúng bị chết cháy hoặc không tìm được thức ăn mà chết.
Riêng đối với koala, theo Bộ trưởng Môi trường Úc Sussan Ley, có đến gần 1/3 con ở New South Wales có thể đã chết vì cháy rừng. Theo thống kê, trước các vụ cháy, bang này có khoảng 21.000 con koala hoang dã.
Không chỉ người Úc quá buồn đau, mà những người gắn bó với nước này, có cảm tình với nước này cũng phải thấy xót xa. Cháy rừng thì ở xứ sở Miệt Dưới này năm nào tới mùa khô - những tháng cuối năm và đầu năm - đều xảy ra. Nhưng với cường độ như hiện giờ thì hình như là lần đầu tiên. Có thể gọi đây là đại thảm họa. Và nó đang kéo dài. Không bình thường chút nào cả.
Lại nhớ đến những ngày này năm 2018. Lúc ấy, bầu trời Sydney trong xanh. Trước Giáng sinh, vợ chồng chúng tôi được người thân chở đi xem những phố mà người Sydney gọi là “Phố Đèn”. Đó là những con đường mà nhà hai bên được chủ nhà giăng đèn kết hoa từ đầu đường đến cuối đường. Họ thi đua nhau xem nhà nào chưng Noel đẹp hơn. Có chấm điểm nữa.
Thật ra, mùa Giáng sinh những năm trước đó, hầu như năm nào chúng tôi cũng được xem đèn ở Sydney. Mỗi năm một khu phố khác nhau. Nếu ở lại đến gần Tết Tây thì còn được xem bắn pháo hoa ở Cầu Cảng của Sydney. Thành phố này được cho là một trong những nơi có màn trình diễn pháo hoa đón giao thừa Dương lịch ấn tượng nhất thế giới.
Cũng cần biết thêm về thời tiết bình thường của Sydney nếu không bị lửa vây như hiện giờ. Ngoài chuyện bầu trời luôn trong xanh, khí trời cũng mát mẻ, dễ chịu. Đương nhiên, đến đêm thì bầu trời cũng đen, nhưng bù lại nhiều ngôi sao sẽ xuất hiện. Sao trên trời, sao dưới đất ở những “Phố Đèn”...
Nhớ rồi tôi lại thở dài: Đó đã là quá khứ - chuyện của năm 2018, và những năm trước đó nữa.
Bây giờ, bầu trời Sydney nghe nói bị loang lổ bởi những lớp bùn than đặc quánh do lửa từ rừng gây ra và bao phủ thành phố. Chị tôi từ Sydney gọi điện: “Trân ơi! Khó thở quá, anh chị lớn tuổi rồi, phải sống trong cái cảnh như thế này, chắc không thọ nổi!”.
Hẳn không chỉ mình anh chị tôi thấy khó sống, khi khói bụi bao trùm Sydney, và ban ngày nóng trên 40 độ C, giống như Đà Nẵng trong những ngày nóng nhất...
Đầu tuần này, một số trận mưa đổ xuống New South Wales. Nhưng nắng nóng đã quay trở lại và có dự báo rằng, cháy rừng năm nay ở Úc sẽ còn kéo dài, ít nhất là đến tháng 2, không những chỉ ở New South Wales, mà còn cả ở bang khác như Victoria, với thủ phủ là Melbourne, nơi tôi có bạn bè sinh sống. Rồi cả thủ đô Canberra cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng con người luôn phải sống bằng niềm tin. Niềm tin mang đến hy vọng. Đối với đại thảm họa của Úc, đó là hy vọng trong những ngày tới, cháy rừng sẽ chấm dứt. Đến Tết cổ truyền của Việt Nam, người Việt ở Úc sẽ đi thăm viếng nhau, đi lễ chùa, cầu phước…, bởi không phải ai cũng đủ điều kiện về quê nhà ăn Tết, hay có thể về quê đón Tết.
Cộng đồng mạng khắp thế giới đang quyên góp tiền của gửi cho các quỹ hỗ trợ chữa cháy tại Úc với mong muốn đẩy lùi thảm họa sớm hơn. Theo đài ABC Perth, tài tử gốc Úc Chris Hemsworth, người thủ vai chính của bộ phim nổi tiếng Thor - Thần sấm cho biết, anh cùng gia đình đã gửi 1 triệu USD cho một quỹ như thế. Một số tài tử gốc Úc khác cũng đã đóng góp tiền bạc vào những quỹ này, như nữ tài tử tóc vàng Nicole Kidman.
Hãy cùng cầu nguyện cho nước Úc xinh đẹp vượt qua “bão lửa”!
NGỌC TRÂN