Vụ không kích của Mỹ ở sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) hôm 3-1 dẫn đến cái chết Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “giọt nước tràn ly” căng thẳng giữa Washington và Tehran. Đây là bước đi có toan tính và đầy nguy hiểm của Tổng thống Donald Trump.
Những người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng kêu gọi Mỹ rút khỏi Trung Đông. Ảnh: Getty Images |
Sáng 5-1, thi hài của Thiếu tướng Soleimani được đưa về thành phố Ahvaz, tây nam Iran. Hàng nghìn người mặc trang phục đen, mang theo chân dung ông Soleimani, tập trung tại Quảng trường Mollavi và các tuyến phố ở Ahvaz. Các nhà chức trách đưa thi hài Tướng Soleimani đến thành phố Mashhad vào tối 5-1, sau đó đưa đến thủ đô Tehran và thành phố Qom vào ngày 6-1 rồi an táng tại Kerman, quê nhà của ông Soleimani.
Mục tiêu 52 địa điểm của Iran
Ngày 4 và 5-1, người biểu tình tập trung ở nhiều thành phố của Mỹ để phản đối vụ không kích giết Tướng Soleimani. Ngày 5-1, khoảng 200 người có mặt bên ngoài Nhà Trắng kêu gọi chính phủ rút quân khỏi Trung Đông để nước Mỹ không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa nào nữa. Làn sóng biểu tình cũng diễn ra ở nhiều nước khác như Iraq, Anh, Đức…
Cựu quyền Giám đốc và Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cảnh báo, việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát Tướng Soleimani sẽ dẫn đến cái chết của người Mỹ bởi Washington phải đối mặt với đòn trả thù khốc liệt. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh, Washington sẽ nhắm vào 52 địa điểm của Iran nếu Tehran tấn công công dân hay bất kỳ tài sản nào của Mỹ. 52 địa điểm này bao gồm các địa điểm cấp cao, rất quan trọng cũng như văn hóa của Iran. “Những mục tiêu đó, và cả Iran, sẽ bị tấn công rất nhanh và rất mạnh”, ông Trump viết trên Twitter và lý giải rằng, 52 địa điểm tượng trưng cho số người Mỹ bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán ở Tehran trong 444 ngày kể từ tháng 11-1979. Trong các dòng tweet khác sau đó, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ không do dự sử dụng các thiết bị quân sự lợi hại hoàn toàn mới nếu Iran trả đũa.
Với việc ám sát nhân vật quyền lực số 2 ở Iran, Tổng thống Trump đưa nước Mỹ bước vào cuộc xung đột mới ở Trung Đông, thay vì rút chân ra khỏi vùng “chảo lửa” này như ông tuyên bố trước đó. Người Mỹ đang lo lắng Tehran sẽ trả đũa như thế nào, nhất là khi đền Jamkaran ở thành phố Qom của Iran treo cờ đỏ tượng trưng cho máu đổ và sự trả thù, theo quan niệm của người đạo Hồi Shiite; lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cũng thề trả thù. Đêm 4-1, hàng loạt tên lửa rơi xuống bên trong hoặc gần Vùng Xanh, nơi có các cơ quan chính phủ Iraq và các đại sứ quán. Song, trong một tuyên bố, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, đến thời điểm này, không có mối đe dọa cụ thể, đáng kể nào đối với Washington.
Mỹ phải rời Iraq?
Báo New York Times cho rằng, Mỹ sẽ bước vào cuộc chiến mới ở Trung Đông nhưng lực lượng Washington buộc phải rời Iraq. Người Iraq sốc trước cái chết của Thiếu tướng Soleimani. Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi chỉ trích vụ tấn công vi phạm các điều khoản về sự hiện diện của lực lượng Mỹ. Quốc hội Iraq nhóm họp để xem xét các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước, trong đó có khả năng yêu cầu người Mỹ rời khỏi quốc gia này.
Theo báo New York Times, việc thúc đẩy quân đội Mỹ rời Iraq cũng là một trong những mục tiêu lâu dài của Iran. Nhà nghiên cứu Mohammad Shabani tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở London (Anh) cho rằng, cái chết của Tướng Soleimani đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ ở Iraq. “Nếu Iran có thể xóa bỏ sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Iraq và tất cả những gì mà nước này phải làm là hy sinh 5 quân nhân Iran, thì Tehran có làm như vậy không? Tôi nghĩ câu trả lời là có”, ông Shabani nói.
Hiện có gần 5.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq. Dù lực lượng này ở lại hay rời đi thì sức mạnh của Mỹ ở Iraq cũng bị giảm sút. Trên Twitter, ông Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ viết: “Một hệ quả chắc chắn từ vụ không kích của Mỹ là kỷ nguyên hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã hết”. Hơn 16 năm kể từ khi Mỹ tiến hành xâm lược Iraq - cuộc xung đột khiến Washington hao người tốn của, Iran trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn ở Iraq, thậm chí trước khi Tướng Soleimani bị ám sát.
Bà Emma Sky, cựu cố vấn lực lượng Mỹ ở Iraq cho rằng, mối quan hệ Washington - Baghdad đang thực sự bị vụ tấn công hủy hoại. “Tôi nghĩ sẽ có thêm lời kêu gọi Mỹ rút quân”, bà Sky nói, đồng thời lập luận rằng người Mỹ sẽ khó có thể biện minh về việc tiếp tục hiện diện ở Iraq bởi mục tiêu của Washington không hướng đến sự ổn định của quốc gia Trung Đông này nếu có Iran.
Ông Trump không tham vấn Quốc hội Mỹ và Saudi Arabia Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chính thức tuyên bố, cuộc không kích sân bay Baghdad được tiến hành mà “không có sự cho phép sử dụng lực lượng quân sự” nhằm vào Iran và không tham vấn Quốc hội. Đảng Dân chủ ủng hộ việc tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani nhưng phản đối cách làm của Tổng thống Donald Trump. Hãng AP dẫn lời ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden rằng, ông Trump không có quyền đẩy Mỹ vào cuộc xung đột quân sự với Iran. “Bất kỳ hành động nào khác chống lại Iran phải được Quốc hội cho phép”, ông Biden nói. Hãng AFP cho hay, Mỹ cũng không tham vấn Saudi Arabia về vụ không kích nói trên trong khi Riyadh dễ là mục tiêu tấn công trả đũa của Iran. Thái tử Mohammed bin Salman yêu cầu Hoàng tử Khalid bin Salman, em trai của ông và là Thứ trưởng Quốc phòng đến Washington và London trong vài ngày tới để thúc giục sự kiềm chế. |
VĨNH AN