Cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani khơi mào cho làn sóng biểu tình ở Iran thề mang lại “ngày đen tối” cho Mỹ. Nguy cơ xung đột mới càng gia tăng ở Trung Đông khi Iran tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 năm 2015 và quân đội Mỹ có thể bị trục xuất khỏi Iraq.
Biển người Iran tham gia lễ tang Thiếu tướng Qassem Soleimani ở thủ đô Tehran ngày 6-1. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, ngày 6-1, hàng chục ngàn người Iran đổ xuống đường phố thủ đô Tehran tham gia lễ tang Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người bị Mỹ ám sát trong cuộc không kích nhằm vào sân bay Baghdad cuối tuần qua.
Phát biểu trên truyền hình Iran, cô Zeinab Soleimani, con gái của ông Soleimani nhấn mạnh, cái chết của cha mình sẽ mang lại “ngày đen tối” cho Mỹ và Israel - đồng minh của Washington. Trong video do các hãng thông tấn phát cho thấy, nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nghẹn ngào trước linh cữu vị tướng được xem là cánh tay phải của ông. Chuẩn tướng Esmail Qaani, người thay thế Tướng Soleimani chỉ huy lực lượng Quds thề sẽ trả thù và tiếp tục con đường của ông Soleimani. “Sự bù đắp duy nhất cho chúng tôi là đuổi Mỹ khỏi khu vực”, ông Qaani nói.
Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân
Iran tuyên bố không còn tuân thủ bất kỳ giới hạn nào của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn quy định Tehran hạn chế hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Động thái này có thể đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận từng được Tehran ký với nhóm P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).
Thực tế, Iran đã có những hoạt động hạt nhân vượt quá ngưỡng quy định của JCPOA nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Tehran. Mặc dù ngưỡng này cách xa mức để chế tạo bom hạt nhân, nhưng là một bước tiến tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Các đối tác châu Âu đều mong muốn cứu vãn JCPOA và đã thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để Iran không rút khỏi thỏa thuận. Giờ đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng, tuyên bố của Iran có thể là bước đi đầu tiên hướng đến việc kết thúc JCPOA. “Chúng tôi sẽ trao đổi lại với Iran. Những gì vừa được công bố không phù hợp với thỏa thuận”, Ngoại trưởng Mass phát biểu trên đài Deutschlandfunk, đồng thời cho rằng quyết định của Iran làm tình hình khó khăn sẽ càng thêm khó khăn. Ông Mass cũng mô tả việc Mỹ đe dọa trả đũa lớn đối với Iran không giúp ích gì cho căng thẳng hiện tại.
Nhóm E3 bao gồm Pháp, Anh, Đức kêu gọi Iran kiềm chế bất kỳ hành động bạo lực nào và thúc giục Tehran tôn trọng JCPOA. Tuần này, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về nghị quyết giới hạn những hành động của Tổng thống Donald Trump với Iran. Theo hãng Bloomberg, người đứng đầu Nhà Trắng và các trợ lý hàng đầu của ông cho rằng, việc ám sát Tướng Soleimani sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai và làm Trung Đông an toàn hơn.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ ở khu vực này dường như đi ngược lại với những gì mà ông Trump cam kết, chẳng hạn quân đội Mỹ được điều động đến Trung Đông nhiều hơn; một Iran bất chấp lệnh trừng phạt… Cuộc không kích tiêu diệt ông Soleimani dường như tạo ra sức mạnh đoàn kết người dân Iran sau nhiều tháng họ biểu tình phản đối chính phủ Tehran. GS. Fawaz Gerges tại Trường Kinh tế London (Anh) cho rằng, chính phủ của Tổng thống Trump đã tính toán sai lầm.
Iraq muốn trục xuất quân đội Mỹ
Theo các nhà quan sát, Tổng thống Trump đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông, trong đó có mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Iraq bị tổn hại. Quốc hội Iraq ra nghị quyết kêu gọi Mỹ và lực lượng nước ngoài rời khỏi quốc gia này. Tuy nhiên, ông Trump dọa sẽ trừng phạt Iraq và nói rằng nếu quân đội Mỹ bị buộc phải rời đi thì chính phủ Iraq sẽ phải chi trả kinh phí “rất đắt đỏ” cho các căn cứ quân sự mà lực lượng Mỹ đồn trú lâu nay. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, Mỹ sẽ áp dụng “các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy” chống Iraq, thậm chí nghiêm ngặt hơn những trừng phạt mà Iran đang phải đối mặt.
Mặc dù nghị quyết nói trên không mang tính ràng buộc đối với chính phủ Iraq, nhưng đã nhận được sự ủng hộ từ trước của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Chính ông Mahdi cũng kêu gọi Quốc hội chấm dứt sự hiện diện của lực lượng nước ngoài càng sớm càng tốt.
Iran và Mỹ cùng cạnh tranh ảnh hưởng ở Iraq kể từ sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Bộ Ngoại giao Mỹ muốn các nhà lãnh đạo Iraq xem xét tầm quan trọng của mối quan hệ về kinh tế và an ninh giữa hai nước. Hiện có khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq, hầu hết đóng vai trò cố vấn.
Theo hãng Bloomberg, có thể lực lượng Mỹ sẽ không rời Iraq ngay lập tức nhưng nghị quyết của Quốc hội Iraq gây tổn hại cho Tổng thống Trump và các kế hoạch của Mỹ ở khu vực.
* Philippines. Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh quân đội Philippines sẵn sàng trang thiết bị đưa công dân nước này rời Trung Đông, nhất là Iraq và Iran. Ông Duterte đang cân nhắc việc kêu gọi Quốc hội tiến hành phiên họp đặc biệt để bảo đảm có khoản tiền dự phòng trong trường hợp những công dân Philippines ở Trung Đông phải hồi hương. Hiện có 6.000 người Philippines ở Iraq và 1.600 người ở Iran. * Nhật Bản. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6-1 tại thành phố Ise, Thủ tướng Abe Shinzo nói rằng, Nhật Bản sẽ thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng phòng vệ đến Trung Đông bất chấp nguy hiểm gia tăng ở khu vực này. Song, ông Abe kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng. Nhật Bản là đồng minh của Mỹ và có mối quan hệ tốt với Iran. Thủ tướng Abe cũng đang cân nhắc việc thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào giữa tháng 1-2020. * Hàn Quốc. Seoul tổ chức cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 6-1 để bàn thảo các giải pháp đóng góp vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giúp ổn định hình hình an ninh ở Trung Đông. Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu thô từ khu vực “chảo lửa” này. |
PHÚC NGUYÊN