Mỹ, Canada tố Iran bắn rơi máy bay Ukraine

.

Mỹ và Canada dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng, Iran đã bắn máy bay Ukraine bằng tên lửa đất đối không vào sáng 8-1, làm toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Iran bác bỏ cáo buộc và đòi bằng chứng.

Các nhà chức trách xem xét hiện trường máy bay Boeing 737-800 rơi. Ảnh: Reuters
Các nhà chức trách xem xét hiện trường máy bay Boeing 737-800 rơi. Ảnh: Reuters

Khi máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine chở 176 hành khách và phi hành đoàn rơi ở gần sân bay Imam Khomeini của thủ đô Tehran, ngay lập tức có nhiều đồn đoán vụ việc liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran xung quanh cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani. Giới chức Mỹ cho rằng, nhiều khả năng Iran đã dùng tên lửa bắn nhầm máy bay. Ukraine đang hướng đến đồng ý với quan điểm này, mặc dù ban đầu Kiev ủng hộ nhận định nguyên nhân do lỗi động cơ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10-1 cho biết, ông không loại trừ khả năng máy bay trúng tên lửa và Kiev đã mời Thụy Điển tham gia điều tra. “Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra sự thật không thể chối cãi”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra và có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm, Iran làm gia tăng nghi ngờ khi từ chối hợp tác. Chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ rơi máy bay, Iran đã tấn công 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq bằng các tên lửa Fateh-110 và Qiam-1.

Ngày 9-1, hãng CBS News và báo Newsweek đưa tin: Lầu Năm Góc và giới chức tình báo Mỹ tin rằng, trong nỗi lo sợ Mỹ tiến hành không kích, Iran đã bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine. Trả lời báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: Iran có thể đã phạm sai lầm. “Tôi có những nghi ngờ. Tôi không muốn nói bởi những người khác cũng nghi ngờ như vậy”, ông Trump phát biểu ở Nhà Trắng.
Chính phủ Ukraine giờ đây xem xét thông tin về việc Iran sử dụng tên lửa Tor do Nga chế tạo (còn gọi là SA-15) để bắn chiếc Boeing 737-800. Một video dài 19 giây được lan truyền trên mạng cho thấy tên lửa Iran bắn trúng một máy bay ngay trên bầu trời thành phố Parand, gần sân bay của Tehran, và những mảnh vỡ nằm tại hiện trường là bộ phận của tên lửa này. Báo New York Times đã xác minh tính chính xác của video.

Trong lúc đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau dẫn các nguồn tin tình báo rằng, có bằng chứng tên lửa đất đối không đã bắn rơi chiếc Boeing 737-800 và đây có thể là “hành động vô ý”. Trong số các nạn nhân có 63 công dân Canada. Theo ông Trudeau, cần thiết phải tiến hành điều tra.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison đều cho hay, Iran đã bắn máy bay Ukraine làm 4 công dân Anh thiệt mạng. Ngày 10-1, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khuyến cáo người dân xứ sở sương mù không nên đến Iran và thúc giục điều tra toàn diện, minh bạch để xác định nguyên nhân vụ việc.

Tuy nhiên, Iran bác bỏ mọi cáo buộc, gọi đây là “chiến tranh tâm lý” chống lại Tehran, đồng thời đòi Mỹ và Canada cung cấp bằng chứng. Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cũng kêu gọi tất cả các nước có công dân tử nạn có thể cử đại diện tham gia điều tra và cả Boeing cũng tham gia. Trong khi đó, các nghị sĩ Nga nhận định, việc đưa ra kết luận Iran dùng tên lửa bắn rơi máy bay của Ukraine là thiếu căn cứ và cáo buộc phương Tây sớm buộc tội nước Cộng hòa Hồi giáo.

Những vụ tên lửa bắn rơi máy bay

Ngày 3-7-1988: Tàu USS Vincennes của Mỹ đóng ở eo biển Hormuz dùng hai tên lửa SM-2MR bắn hạ chuyến bay 655 của hãng hàng không Iran Air, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em.

Ngày 4-10-2001: Máy bay Tupolev-154 của hãng hàng không Siberia, số hiệu 1812 trên đường từ Tel Aviv (Israel) về Novosibirsk (Nga) thì phát nổ tại vùng trời Biển Đen. Toàn bộ 78 người thiệt mạng. Ukraine thừa nhận đã bắn nhầm tên lửa phòng không S-200 trúng máy bay.

Ngày 17-7-2014: Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia số hiệu MH17 từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur, chở 298 người, bị tên lửa Buk bắn rơi ở đông Ukraine. Tất cả hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.