Nước Úc khóc trong "bão lửa"

.

“Nước Úc bốc cháy” có lẽ là câu nói có thể tóm gọn tình cảnh của đất nước ở nam bán cầu này trong những tuần qua. Úc đang cần rất nhiều nguồn lực và thời gian để tiếp tục chiến đấu với “bão lửa” và khôi phục cuộc sống của người dân.

Một chú koala được lực lượng cứu hộ giải cứu. 		                     Ảnh: Twitter
Một chú koala được lực lượng cứu hộ giải cứu. Ảnh: Twitter

Buổi sáng đầu tiên của tuần thứ hai trong năm 2020, Melbourne (bang Victoria, Úc) - vốn được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất thế giới - chìm ngập trong khói và mùi khét. Trang Facebook “City of Melbourne”, tài khoản mạng xã hội chính thức của chính quyền thành phố này, đăng ảnh sân vận động Marvel mịt mù vì khói kèm theo dòng chữ: “Ở thành phố đang có rất nhiều khói do cháy rừng, dự kiến tình trạng này kéo dài tới thứ năm (tức ngày 9-1).

Cơ quan Bảo vệ môi trường khuyến cáo người dân Melbourne ở trong nhà, đóng các cửa và không cho thú nuôi ra ngoài”. Phía dưới bức ảnh, nhiều người bình luận bằng cách chụp quang cảnh xung quanh nơi mình ở. Gần như tất cả tấm ảnh đều mang màu trắng đục lờ nhờ của khói, dù ở vùng ngoại ô như Ballarat, Grampians..., hay trung tâm thành phố như Quảng trường Collins, phố đi bộ Bourke... Vậy mà đó mới chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về thảm họa cháy rừng ở Úc.

Suốt tuần qua, ông Dan Andrews, Thủ hiến bang Victoria, sử dụng nhiều nhất trên trang Facebook của mình cụm từ “Chưa từng có tiền lệ” để nói về cháy rừng. Đêm 2-1, lần đầu tiên bang Victoria ban bố tình trạng khẩn cấp. Chiều 7-1, các phóng viên tờ Herald Sun cho biết, trên toàn bang Victoria có 14 đám cháy, một vài đám còn lan hòa vào nhau tạo thành đám to hơn, thậm chí có nguy cơ xuất hiện “siêu cháy”.

Thống kê cho thấy, “bão lửa” càn quét hơn 1,2 triệu hecta diện tích Victoria (khoảng 5% diện tích toàn bang), làm chết 2 người, mất tích 6 người và phá hủy gần 450 ngôi nhà. Ở Mallacoota, thị trấn ven biển ở cực đông Victoria, hàng nghìn người dân và du khách phải ra bãi biển trú ẩn trong khi chờ chính quyền hỗ trợ sơ tán. Tấm ảnh cậu bé Finn (11 tuổi) mặc áo phao và đeo khẩu trang chống độc, chèo thuyền đưa gia đình mình rời bờ biển Mallacoota để đến nơi trú ẩn giữa nền trời cam sậm mù mịt được đăng khắp các mặt báo trên thế giới như một biểu tượng cho sự tàn khốc của thiên tai.

Nhưng Victoria chưa phải là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa cháy. Ở bang New South Wales (NSW - đông nam Úc, phía bắc bang Victoria), 130 đám cháy ở các vùng hoang dã, rừng trên núi và cả những công viên quốc gia đã thiêu rụi 1.300 ngôi nhà, tàn phá 5 triệu hecta diện tích toàn bang - con số lớn nhất trong lịch sử bang này. Đặc biệt, hỏa hoạn chủ yếu xảy ra ở khu vực rừng thay vì ở những thảo nguyên như mọi năm. Giáo sư dự bị Owen Price (Đại học Wollongong, bang NSW) nói: “Trong rừng có nhiều thứ bắt lửa, nên lượng khí nhà kính thải ra cũng nhiều hơn và lửa cũng khó dập tắt hơn. Trước nay, mùa cháy rừng lớn nhất ở bang này chỉ làm cháy khoảng 20% diện tích rừng, nhưng lần này con số sẽ là hơn 50%. Đây là một kỷ lục mới ở mọi phương diện”.

Rừng cháy, đồng nghĩa với việc “ngôi nhà” của các loài động thực vật bị phá hủy. Cuối tuần qua, nhà sinh vật học Margaret Hearle, thành viên đội cứu hộ koala cho biết, một cộng đồng koala quan trọng vốn được gọi là “nguồn gene” đã bị lửa “xóa sổ” khỏi vùng Crestwood của bang NSW. Những tấm ảnh koala bị bỏng, ngước mắt biết ơn những người lính cứu hộ cho mình uống nước được lan truyền trên mạng Internet khiến nhiều người đau xót. Hình ảnh hàng trăm xác kangaroo cháy trụi nằm hai bên xa lộ, những đàn cừu cháy đen nằm san sát nhau trên các đồng cỏ nước Úc… khiến bất kỳ ai cũng bàng hoàng tự hỏi: “Điều gì đang xảy ra với thiên nhiên, với Trái đất?” Theo nhiều chuyên gia, sau thảm họa này, hệ sinh vật bản địa của Úc có lẽ không thể hồi phục như trước nữa.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.