Covid-19 lan rộng toàn cầu

.

Châu Âu lo lắng khi Covid-19 lan đến nhiều nước thuộc “lục địa già”. Mỹ cảnh báo về “một đại dịch không thể tránh khỏi” và thúc giục người dân chuẩn bị đối phó. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên.

Khách du lịch tại thành phố Venice, Ý.  		                    Ảnh: AFP/Getty Images
Khách du lịch tại thành phố Venice, Ý. Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 25-2 (giờ Mỹ), giới chức y tế Mỹ cảnh báo nguy cơ Covid-19 lan đến các cộng đồng dân cư và người dân cần chuẩn bị đối phó. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng thúc giục người dân chuẩn bị việc đóng cửa trường học và hoãn các sự kiện thể thao, ca nhạc, đồng thời nhận định rằng tình hình toàn cầu hiện nay cho thấy có khả năng xảy ra đại dịch. “Vấn đề là khi nào và có bao nhiêu người sẽ nhiễm bệnh”. Phó Giám đốc Thường trực CDC Anne Schuchat nói.

Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người Mỹ Alex Azar đã yêu cầu một ủy ban Thượng viện phê chuẩn ngân sách 2,5 tỷ USD để chống dịch. Số tiền này được dùng để mở rộng hệ thống giám sát, hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương, giúp phát triển vaccine và các liệu pháp điều trị, mở rộng kho dự trữ thiết bị bảo hộ... Mỹ hiện có 57 ca nhiễm, hầu hết là những người trở về từ du thuyền Diamond Princess, từng bị cách ly ở Nhật Bản. Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng nâng cảnh báo lên mức cao khi một binh sĩ Mỹ 23 tuổi đồn trú ở Trại Carroll, cách Daegu khoảng 30km, bị nhiễm bệnh.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới trên đường từ Trung Quốc trở về Geneva (Thụy Sĩ), ông Bruce Aylward, Trưởng nhóm công tác hỗn hợp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Trung Quốc nhấn mạnh: “Hãy nghĩ rằng virus sẽ xuất hiện vào ngày mai. Nếu không nghĩ như vậy, bạn sẽ không sẵn sàng”. Vị quan chức của WHO cho rằng, Covid-19 lây lan nhanh chóng ở những nơi khác nhau và thế giới phải “giải quyết cực kỳ nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ đại dịch”.

Hàn Quốc vẫn là “điểm nóng”

Bên ngoài biên giới Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc vẫn là “điểm nóng” nhất của Covid-19 với 284 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 26-2, trong đó có 234 ca ở thành phố Daegu và thêm 1 trường hợp tử vong. Hàn Quốc có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20-1 là một phụ nữ đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Chỉ 1 tuần sau, số bệnh nhân Covid-19 ở xứ sở kim chi hiện lên đến 1.261 người. Bệnh nhân thứ 12 tử vong là một phụ nữ Hàn Quốc 73 tuổi, từng đến nhà thờ Shincheonji ở Daegu.

Theo hãng thông tấn Yonhap, số ca nhiễm bệnh sẽ tăng trong những ngày tới khi các nhà chức trách test virus đối với các tín đồ giáo phái Shincheonji. Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip cho hay, đến ngày 26-2, các quan chức y tế đã hoàn tất việc xét nghiệm đối với khoảng 1.300 tín đồ trong số khoảng 9.000 người liên quan nhà thờ Shincheonji.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang đối mặt với những chỉ trích ở trong nước về quyết định chỉ hạn chế du lịch đối với khách đến từ vùng tâm dịch Trung Quốc, thay vì áp dụng với tất cả những người đến từ cường quốc châu Á này. Một bản kiến nghị kêu gọi luận tội ông Moon về cách xử trí khủng hoảng đã tập hợp hơn 687.000 chữ ký, tính đến ngày 26-2.

Châu Âu lo lắng

Theo báo South China Morning Post, Covid-19 trở nên nghiêm trọng ở châu Âu khi Áo, Croatia, Thụy Sĩ, Hy Lạp và Romania đều có những trường hợp nhiễm bệnh. Tây Ban Nha có 8 ca nhiễm, trong đó 2 người ở Madrid, 1 ở Barcelona, 1 ở vùng Valencia. Pháp ghi nhận 4 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 2 người trở về từ Ý, nâng tổng số ca nhiễm lên 17. Một người đàn ông 60 tuổi nhiễm SARS-Cov-2 đã chết ở Bệnh viện Pitie Salpetriere, thủ đô Paris và đây là trường hợp tử vong thứ hai tại Pháp.

Hãy nghĩ rằng virus sẽ xuất hiện vào ngày mai. Nếu không nghĩ như vậy, bạn sẽ không sẵn sàng”

Ông Bruce Aylward, Trưởng nhóm công tác hỗn hợp WHO - Trung Quốc

Đối với Ý, tâm dịch ở châu Âu, Cơ quan Bảo vệ dân sự của nước này ghi nhận tổng cộng 12 ca tử vong và 357 trường hợp nhiễm bệnh, hầu hết ở hai vùng Lombardy và Veneto. Song, Ý và một số nước láng giềng như Áo, Croatia, Pháp, Đức, Slovenia và Thụy Sĩ quyết định không đóng cửa biên giới.

Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte khẳng định, chính phủ sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại từ lĩnh vực sản xuất đến du lịch. Ngành du lịch tại thành phố Milan đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng, các cửa hàng và trung tâm mua sắm đều đóng cửa.

Dịch lan đến Mỹ Latinh

Bộ Y tế Brazil thông tin về ca bệnh đầu tiên ở quốc gia Nam Mỹ này - một công dân Sao Paulo 61 tuổi đến Ý từ ngày 9-2 đến 21-2.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Algeria Abderrahmane Benbouzid công bố ca nhiễm đầu tiên và đây là quốc gia châu Phi thứ hai có bệnh nhân Covid-19, sau Ai Cập. Trường hợp này là một công dân Ý đến Algeria ngày 17-2 và có kết quả dương tính với virus. Quan ngại Covid-19 có thể lây lan hơn nữa ở châu Phi, WHO khẳng định sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến Algeria để hỗ trợ các nhà chức trách kiểm soát dịch.

Ở Trung Đông, Iran có 19 người tử vong và 139 người nhiễm bệnh. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết minh bạch thông tin khi có đồn đoán rằng con số được các nhà chức trách công bố không đúng thực tế.

Ngày 26-2, Trung Quốc đại lục có thêm 406 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 78.000. Có thêm 52 ca tử vong đều ở Hồ Bắc, nâng tổng số ca chết vì Covid-19 tại Trung Quốc đại lục lên 2.715 người.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.