Sau Brexit, EU muốn bổ sung thành viên

.

Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy đàm phán với các quốc gia Tây Balkan để bổ sung thành viên sau khi Anh rời “mái nhà chung” vào ngày 31-1.

Việc Anh rời EU là dịp để khối này mở rộng và có các thành viên mới. Trong ảnh: Những người ủng hộ Brexit tập trung ở Quảng trường Quốc hội (London), bày tỏ vui mừng khi Anh chính thức rời EU vào đêm 31-1.     		Ảnh: Reuters
Việc Anh rời EU là dịp để khối này mở rộng và có các thành viên mới. Trong ảnh: Những người ủng hộ Brexit tập trung ở Quảng trường Quốc hội (London), bày tỏ vui mừng khi Anh chính thức rời EU vào đêm 31-1. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng các quy tắc mới được đưa ra hợp lý để tránh trì hoãn hơn nữa việc khởi động đàm phán với Bắc Macedonia và Albania, mở đường cho hai quốc gia Tây Balkan này trở thành thành viên EU. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng, đề xuất khởi động đàm phán là “thông điệp tốt” cho Bắc Macedonia và Albania. “Mở rộng EU là tình huống các bên cùng có lợi”, bà Ursula von der Leyen viết trên Twitter.

Bà Ursula von der Leyen đề xuất trao cho các thành viên hiện tại của EU thêm quyền để ngừng hoặc đảo ngược tiến trình chấp nhận thành viên mới, hoặc thậm chí buộc các nước khởi động lại đàm phán trong một số lĩnh vực chính sách. Một quan chức Điện Élysée ở Paris (Pháp) nhận định: “Đây là bước chuyển hướng đúng”. Pháp hoan nghênh những đề xuất thay đổi, mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó ngăn cản tiến trình đàm phán với Bắc Macedonia và Albania.

Tháng 10-2019, ông Macron yêu cầu cải cách quá trình xét duyệt các quốc gia muốn gia nhập EU, đồng thời cho rằng việc mở rộng gần đây nhất là vào năm 2007, thời điểm Romania và Bulgaria tham gia “mái nhà chung”, là quá vội vàng. Ông Macron khuyến cáo, cần cẩn trọng khi kết nạp thành viên ở một khu vực xảy ra tình trạng tham nhũng và tội phạm.

Phản ứng của Pháp từng làm nội bộ EU chia rẽ. Hà Lan và Đan Mạch cũng hoài nghi việc mở rộng khối. Song, các quan chức EU tin rằng, chỉ cần thuyết phục được Pháp thì các nước khác sẽ không phản đối nữa. Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 10-2019 đã quyết định hoãn đàm phán với Bắc Macedonia và Albania đến năm 2020. Các nhà lãnh đạo tại trụ sở của EU ở Brussels (Bỉ) mô tả quan điểm cứng nhắc của ông Macron là “sai lầm lịch sử”.

Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev thất vọng và cho rằng nước này là “nạn nhân trong sai lầm lịch sử” của EU. Trong khi đó, Thủ tướng Albania Edi Rama khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực đáp ứng các điều kiện của EU. Khi được hỏi rằng, nếu cải cách vẫn không đủ để xua tan sự phản đối của Pháp, một quan chức ở Paris cho hay, quốc gia châu Âu này sẽ tham vấn các nước EU khác để đưa ra quyết định.
Croatia, nước đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1-1-2020, ủng hộ việc mở rộng EU và xem đây là một trong những vấn đề ưu tiên của nhiệm kỳ 6 tháng. EU hy vọng đến tháng 3 tới sẽ có bước đột phá trong tiến trình gia nhập của Bắc Macedonia và Albania. Khối còn lại 27 thành viên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan vào tháng 5 tới ở thủ đô Zagreb của Croatia.  

Những năm gần đây, chương trình nghị sự của EU ngày càng chú trọng khu vực Tây Balkan và việc Anh rời EU vô hình trung là cơ hội để EU tiếp nhận thành viên mới. Theo quyền Ngoại trưởng Albania Gent Cakaj, EU có tầm nhìn riêng về “sự ổn định, phát triển và dân chủ của khu vực Tây Balkan nói chung”.
Kể từ khi Croatia tham gia EU vào năm 2013, khối này không tiếp nhận thêm thành viên mới. Năm 1958, liên minh được thành lập chỉ với 6 thành viên và đến ngày 31-1-2020 thì lần đầu tiên mất đi một thành viên.

Tại Brussels, Cao ủy phụ trách việc mở rộng EU Oliver Varhelyi nhấn mạnh, khối này vẫn hướng đến mục tiêu kết nạp 6 quốc gia Balkan, bao gồm: Bắc Macedonia, Albania, Serbia, Kosovo, Montenegro và Bosnia. Serbia và Montenegro đã tiến hành đàm phán, có thể gia nhập khối vào cuối thập niên này. Theo ông Varhelyi, việc mở rộng EU là “chiến lược địa chính trị” và liên minh này không thể ngăn chặn ảnh hưởng của mình hiện đang suy yếu đối với toàn cầu mà không ổn định được vùng Balkan.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.