Với số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày, các chuyên gia Trung Quốc tin tưởng nước này sẽ cơ bản khống chế được Covid-19 vào cuối tháng 4 và nói rằng dịch bệnh xảy ra mang lại “một bài học rất lớn”.
Sân bay quốc tế Đại Hưng ở thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ trong ngày 27-2. Ảnh: AFP/Getty Images |
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27-2, Trưởng nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Chung Nam Sơn bày tỏ tin tưởng rằng, Covid-19 về cơ bản sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 4 tới. Trước đó, ông Chung Nam Sơn dự đoán dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc đại lục vào giữa hoặc cuối tháng 2, và số ca nhiễm mới bắt đầu giảm sau ngày 15-2.
Thực tế, trên cơ sở mô hình truyền thống, cùng với các yếu tố ảnh hưởng, sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ và biện pháp ngăn chặn đi lại sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục giảm từ ngày 15-2. Đó là lý do để ông Chung Nam Sơn cùng các cộng sự tin tưởng dịch bệnh cơ bản sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 4. “Chúng tôi đã dự đoán con số bệnh nhân Covid-19 là 60.000 - 70.000, và con số hiện nay là 78.000 - 79.000 ở Trung Quốc”, ông Chung Nam Sơn nói. Song, từ đầu tháng 2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại cho rằng, Covid-19 đã lên đỉnh điểm và đang giảm dần.
SARS-CoV-2 “chưa hẳn bắt nguồn ở Trung Quốc”
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng, nước này sẽ có ít ca nhiễm hơn nếu nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu tháng 12-2019, hay thậm chí đầu tháng 1-2020. Hiện thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, vùng tâm dịch, vẫn bị phong tỏa kể từ ngày 23-1 đến nay. Theo ông Chung Nam Sơn, dịch bệnh xảy ra mang lại “một bài học rất lớn” bởi số bệnh nhân sẽ vượt quá 100.000 người nếu các nhà chức trách chần chừ phong tỏa vùng tâm dịch. Các thành phố khác ở Hồ Bắc sau đó cũng bị phong tỏa tương tự.
Ông Chung Nam Sơn nói rằng, cuối tháng 12-2019, các bác sĩ - trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng - cảnh báo về 7 ca nhiễm virus đến từ một chợ hải sản mà theo anh là giống hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003 khiến khoảng 800 người chết, nhưng thông tin này không được báo cáo với chính phủ cho đến ngày 30-12-2019. Chính quyền Vũ Hán đã không chú ý lời cảnh báo nói trên, hoặc họ không hiểu. “Đó là nguyên nhân dịch bệnh không được ngăn chặn”, ông Chung Nam Sơn nói.
Về nguồn gốc của SARS-CoV-2, ông Chung Nam Sơn cho rằng, dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng chưa hẳn bắt nguồn từ quốc gia này. Trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được báo cáo với WHO vào ngày 31-12-2019 có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán. Tuy nhiên, nghiên cứu được các nhà khoa học Trung Quốc công bố hồi tuần trước cho thấy, virus này có thể đến từ một nơi khác.
Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc lần đầu vượt Trung Quốc
Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách ngày 27-2 ghi nhận thêm 505 ca nhiễm bệnh; trong khi ở Trung Quốc đại lục, con số này là 433. Trong số 505 ca nhiễm mới, 442 trường hợp ở thành phố Daegu, 4 trường hợp ở tỉnh Gyeongsang Bắc. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên đến 1.766 và có 13 ca tử vong, theo hãng thông tấn Yonhap. Covid-19 đang lan rộng với 55 ca nhiễm tại thủ đô Seoul và 58 ca ở Busan - thành phố lớn thứ hai của xứ sở kim chi.
Tổng số quốc gia/vùng lãnh thổ cấm hoặc hạn chế nhập cảnh với người Hàn Quốc tăng lên 42 vào ngày 27-2, tức tăng thêm 12 nước/vùng lãnh thổ chỉ sau một ngày.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước từ ngày 2-3 cho đến hết kỳ nghỉ xuân (thường vào giữa tháng 3). “Chính phủ đặt sức khỏe và an toàn của trẻ em lên trên hết”, ông Abe nói. Một ngày trước đó, ông Abe cũng thúc giục hoãn các sự kiện thể thao lớn, các doanh nghiệp cho người lao động làm việc ở nhà hoặc đi làm ngoài giờ cao điểm.
Hiện Nhật Bản có 186 ca nhiễm và 3 ca tử vong. Dư luận nước này đang lo lắng trước thông tin một phụ nữ tái nhiễm bệnh chỉ 14 ngày sau khi được xác nhận khỏe mạnh và xuất viện. Theo hãng thông tấn Kyodo, 7 quốc gia đã hạn chế nhập cảnh với công dân Nhật.
“Nguy cơ với người Mỹ rất thấp”
Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 27-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định Phó Tổng thống Mike Pence phụ trách công tác ứng phó Covid-19 tại Mỹ. Hãng AFP dẫn lời ông Trump nhận định, không thể tránh khỏi việc Covid-19 tiếp tục lan rộng ở Mỹ.
Tính đến ngày 26-2 (giờ Mỹ), cường quốc hàng đầu thế giới có 60 ca nhiễm bệnh, trong đó 15 ca được ghi nhận ở nước này và 45 ca từ nước ngoài trở về (từ du thuyền Diamond Princess từng bị cách ly ở Yokohama - Nhật Bản và từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc). Song, 8 người đã hồi phục và trở về nhà, 1 người sắp được xuất viện, 1 người đang được điều trị và 5 người đã hồi phục hoàn toàn. “Nguy cơ đối với người Mỹ là rất thấp”, ông Trump nhấn mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cảnh báo số ca nhiễm có thể còn tăng.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer đã yêu cầu khoản ngân sách khẩn cấp 8,5 tỷ USD cho cuộc chiến chống Covid-19. Con số này nhiều hơn 3 lần so với 2,5 tỷ USD mà chính phủ của ông Trump yêu cầu trước đó.
Thưởng hơn 1.400 USD cho người chủ động khai báo bệnh Hãng Reuters cho biết, thành phố Tiềm Giang có khoảng 1 triệu người sinh sống, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, thông báo sẽ trả 10.000 Nhân dân tệ (1.425 USD) cho bất kỳ ai chủ động thông báo về các triệu chứng nhiễm bệnh và sau khi xét nghiệm xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Những người trước đây được xác nhận nhiễm virus không nằm trong diện được nhận khoản tiền này. Những người đang nhiễm dịch sẽ được trợ cấp 1.000 Nhân dân tệ, những người nghi nhiễm được nhận 2.000 Nhân dân tệ. Tiềm Giang hiện có 197 bệnh nhân Covid-19. |
THIÊN BÌNH