WHO kêu gọi thế giới đối phó Covid-19

.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt nhất có thể, dùng mọi vũ khí có thể để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) khi số người chết đã vượt quá 1.100 người.

Hành khách đi tàu hỏa tại Thượng Hải (Trung Quốc) mang khẩu trang và dùng nilon phủ lên người để phòng Covid-19. 	   					  Ảnh: Reuters
Hành khách đi tàu hỏa tại Thượng Hải (Trung Quốc) mang khẩu trang và dùng nilon phủ lên người để phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, Covid-19 có thể gây mối đe dọa toàn cầu hơn chủ nghĩa khủng bố. “Đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt nhất có thể…”, ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu WHO cho hay, khoảng 18 tháng nữa sẽ có lô vaccine đầu tiên trong lúc số ca phục hồi đang ngày càng tăng (hiện có hơn 4.700 ca được điều trị khỏi). Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: Thế giới phải thức tỉnh và xem Covid-19 là kẻ thù số 1.

Ngày 12-2, thống kê của Trung Quốc đại lục cho thấy số ca mới nhiễm bệnh trong 1 ngày ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay (số ca nhiễm mới trong ngày 12-2 ở nước này là 2.015 người). Điều này làm gia tăng cơ sở cho dự đoán của ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc rằng, Covid-19 có thể kết thúc vào tháng 4 tới.

Tuy nhiên, theo Reuters, một số chuyên gia y tế thế giới không đồng tình với nhận định nói trên của ông Chung Nam Sơn, mà cảnh báo Covid-19 có thể tiếp tục lan ra khắp nơi. “Tôi nghĩ còn quá sớm để đánh giá như vậy”, ông Brendan Murphy - Giám đốc Y tế Úc nói. GS.

Dale Fisher, Chủ tịch Mạng lưới Phản ứng và Cảnh báo dịch toàn cầu của WHO đang có mặt tại Singapore cho rằng, khi dịch lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc thì sẽ có thể lan khắp nơi trên thế giới. “Nó sẽ lan ra các nước khác - những nơi dịch đang bắt đầu xuất hiện”, GS. Dale Fisher nói. Singapore xác nhận ít nhất 47 trường hợp mắc bệnh và lo lắng mức độ lây lan sẽ gia tăng.

Covid-19 có thể gây mối đe dọa toàn cầu hơn chủ nghĩa khủng bố. Đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt nhất có thể”

Tổng Giám đốc WHO
Tedros Adhanom Ghebreyesus

Song, báo South China Morning Post cho hay, khi đưa ra đánh giá nói trên, ông Chung Nam Sơn nói thêm rằng, không thể dự đoán chính xác bởi còn phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn và khống chế dịch khi nhiều người trở lại với công việc.

Ông Chung Nam Sơn còn cho rằng, dịch sẽ lên đỉnh điểm vào giữa hoặc cuối tháng 2. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London (Anh) cũng ước tính Covid-19 sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 2 và “tấn công” khoảng 500.000 người ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - vùng tâm dịch.

Trong khi đó, trả lời báo The Guardian, GS. Gabriel Leung, Chủ tịch Y học công cộng tại Đại học Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định, 60% dân số thế giới có thể nhiễm Covid-19 nếu không khống chế được dịch bệnh.

“60% dân số thế giới là con số cực kỳ lớn”, ông Leung nói. Ước tính này được dựa trên tỷ lệ lây từ người sang người và các chuyên gia cho rằng mỗi người bị nhiễm sẽ tiếp tục truyền virus cho khoảng 2,5 người khác.

Theo ông Leung, ưu tiên hàng đầu của WHO khi nhóm họp tại Geneva trong những ngày qua là kêu gọi đánh giá khẩn cấp về các biện pháp khống chế dịch ở Trung Quốc và các nước khác có nên áp dụng tương tự hay không.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 12-2, một quan chức của Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, 160 triệu dân nước này sẽ trở lại các thành phố để làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Lực lượng lao động đông như thế càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh. Theo đó, chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm như: gia tăng khử trùng đối với các phương tiện giao thông công cộng và kiểm tra thân nhiệt của hành khách…

Indonesia không che giấu trường hợp nhiễm bệnh

Indonesia là nước đông dân thứ 4 thế giới với hơn 260 triệu người. Hiện chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19 tại Indonesia. Hãng Reuters dẫn lời Bộ Y tế nước này khẳng định, chính phủ không che giấu nếu có trường hợp liên quan Covid-19.

Theo đại diện WHO tại Indonesia Navaratnasamy Paranietharan, các nhà chức trách đã thực hiện các biện pháp cụ thể và WHO hoàn toàn tin tưởng quốc gia Đông Nam Á này sẵn sàng đối phó với dịch.

Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho rằng, Indonesia nên nhanh chóng thúc đẩy các biện pháp giám sát và kiểm soát dịch, nhất là nước này đã có các chuyến bay trực tiếp từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.