Ấn Độ không kéo dài thời gian phong tỏa

Ngày 30-3, Chánh Văn phòng Nội các Ấn Độ Rajiv Gauba cho biết, nước này sẽ không kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc 21 ngày do Covid-19 nhằm giúp lưu thông các mặt hàng thiết yếu và ngăn hàng chục nghìn người thất nghiệp đang tìm cách trở về quê.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố thi hành lệnh giới nghiêm 21 ngày đối với 1,3 tỷ dân và cho rằng đây là hy vọng duy nhất để ngăn chặn đại dịch. Song, lệnh cấm đã đẩy hàng triệu người nghèo vào tình trạng thất nghiệp và đói ăn. Theo Reuters, bất chấp lệnh phong tỏa, hàng trăm nghìn người lao động cùng gia đình đã rời các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai để đi bộ về quê. Những người này không còn thức ăn hay tiền nữa.

Theo Giám đốc Cơ quan Kiểm soát bệnh tật quốc gia Ấn Độ S.K.Singh, việc người lao động đổ về quê đang là mối lo lớn bởi điều này sẽ khiến Covid-19 lây lan sâu hơn. Ngày 29-3, chính phủ Ấn Độ yêu cầu các chính quyền địa phương ngăn dòng người lao động di chuyển, đồng thời dựng các nhà trú tạm trên đường cao tốc, cung cấp thực phẩm và nước cho những người bị mắc kẹt cho đến khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa dự kiến vào ngày 14-4.

Ấn Độ hiện có hơn 1.000 ca nhiễm, trong đó có 29 ca tử vong. Các quan chức y tế cho rằng, chỉ vài tuần nữa, số ca nhiễm ở Ấn Độ có thể tăng nhanh chóng và hệ thống y tế công vốn yếu kém sẽ quá tải.
Nepal - quốc gia láng giềng của Ấn Độ, thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa thêm 1 tuần, kể từ ngày 31-3. Nepal có 5 ca nhiễm và không có ca tử vong nhưng nước này lo ngại dịch sẽ lây lan. Trong số 8 quốc gia Nam Á, Pakistan đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 (hơn 1.500 ca), Ấn Độ có nhiều ca tử vong nhất (29 ca), Buhtan có ít ca nhiễm nhất (4 ca).

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.