Chiến thuật chống dịch Covid khác biệt tại Italy và Hàn Quốc

.

Cả hai quốc gia đều phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 1, nhưng họ đã đi theo những chiến thuật ứng phó khác nhau. Hàn Quốc đến nay ghi nhận 72 ca tử vong/trên 8.000 ca mắc bệnh, trong khi Italy có 1.266 bệnh nhân tử vong và trên 17.600 người nhiễm virus.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo vệ tại chốt kiểm tra trước khi vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, miền Bắc Italy. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế mặc đồ bảo vệ tại chốt kiểm tra trước khi vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, miền Bắc Italy. Ảnh: Reuters

Tại Italy, hàng triệu người đã bị phong tỏa và hơn 1.000 người tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Trong khi đó, bị dịch tấn công vào cùng thời điểm, tại Hàn Quốc chỉ có vài ngàn người bị phong tỏa và 67 người đã thiệt mạng.

Theo hãng tin Reuters, trong khi SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan mạnh khắp thế giới, câu chuyện về hai vùng dịch này cho thấy một vấn đề đang xảy tới với các quốc gia phải vật lộn chống chọi với sự bùng nổ lây nhiễm.

Việc tiến hành xét nghiệm mọi bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh là không thực tế, nhưng trừ khi chính quyền có thể tìm ra cách thức quan sát dịch lây lan ra sao, câu trả lời tốt nhất của họ lúc này là phong tỏa. Ban đầu, Italy đã tiến hành xét nghiệm rộng rãi, nhưng sau đó lại thu hẹp vào đối tượng trọng tâm, dẫn đến hiện tại chính quyền không phải xử lý hàng trăm ngàn xét nghiệm. Nhưng điều này cũng có một sự đánh đổi: Họ không thể quan sát chuyện gì đang tới, trong khi đang phải tìm cách kiểm soát mọi sự di chuyển của toàn bộ dân số 60 triệu người để ngăn chặn dịch bệnh.

Cách đó hàng ngàn dặm, tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng đã có một phản ứng khác đối với một vùng dịch có kích thước tương tự. Họ đang tiến hành xét nghiệm với hàng trăm ngàn người và theo dõi những người có nguy cơ lây nhiễm tiềm năng bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi, giám sát qua vệ tinh và điện thoại di động.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của một người Hàn Quốc bên ngoài Trung tâm Y tế trường Đại học Yeungnam ở Daegu, Hàn Quốc hôm 3-3. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của một người Hàn Quốc bên ngoài Trung tâm y tế Trường Đại học Yeungnam ở Daegu, Hàn Quốc hôm 3-3. Ảnh: Reuters

Cả hai quốc gia đều phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1. Kể từ đó, tới sáng ngày 14/3, Hàn Quốc ghi nhận 72 trường hợp tử vong trong số trên 8.000 ca được xác nhận nhiễm virus, sau khi xét nghiệm hơn 222.000 người. Trong khi đó, Italy ghi nhận 1.266 người chết và hơn 17.600 ca mắc bệnh sau khi tiến hành hơn 73.000 xét nghiệm trên một số lượng người không xác định.

Các nhà dịch tễ học cho rằng không thể so sánh các con số một cách trực tiếp. Nhưng theo một số chuyên gia nhận định với Reuters, những số liệu khác nhau đáng kể có thể đưa đến một nhận thức quan trọng: Xét nghiệm tích cực và bền vững là một công cụ mạnh mẽ để chống virus SARS-CoV-2.

Jeremy Konyndyk, một thành viên chính sách cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết tiến hành xét nghiệm rộng rãi có thể cho các quốc gia một bức tranh tốt hơn về mức độ của dịch. Khi xét nghiệm bị thu hẹp tại một quốc gia, chính quyền phải có những hành động quyết liệt để hạn chế người dân di chuyển.

Italy và Hàn Quốc là những ví dụ nghiên cứu hữu ích cho các quốc gia như Mỹ, nơi đã gặp khó khăn trong thiết lập các hệ thống xét nghiệm. Cho đến nay, ở Mỹ, Nhật hay Đức, quy mô đầy đủ của dịch vẫn chưa hiện rõ. 

Nhân viên y tế kiểm tra thông tin bệnh nhân tại lối vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, Italy, ngày 3/3. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế kiểm tra thông tin bệnh nhân tại lối vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, Italy, ngày 3-3. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc với chiến dịch xét nghiệm miễn phí khổng lồ

Hàn Quốc, với dân số khoảng 50 triệu người, thấp hơn một chút so với Italy, có khoảng 29.000 người tự cách ly. Nước này đã áp đặt phong tỏa tại một số cơ sở và ít nhất một khu chung cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch. Nhưng cho đến nay không có toàn bộ khu vực nào bị phong tỏa.

Seoul cho biết họ đang chống dịch dựa trên những bài học rút ra từ dịch Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) vào năm 2015 và thực hiện cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ đã xúc tiến một chương trình xét nghiệm khổng lồ, cho cả những người bị bệnh rất nhẹ, hoặc không hề có triệu chứng nhưng có thể có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Chiến thuật này còn bao gồm việc cho phép cơ quan chức năng của chính phủ truy cập các dữ liệu công dân: từ camera giám sát, theo dõi GPS từ điện thoại và xe ô tô; giao dịch thẻ tín dụng và các thông tin chi tiết cá nhân khác của những người được xác nhận mắc bệnh. Nhà chức trách sau đó có thể công khai một số chi tiết, để bất kỳ ai có nguy cơ phơi nhiễm, hoặc bạn bè người thân của họ, có thể tự xét nghiệm.

Một bệnh nhân mắc COVID-19 được đưa khỏi xe cứu thương vào viện tại Seoul. Ảnh: Getty Images
Một bệnh nhân mắc Covid-19 được đưa khỏi xe cứu thương vào viện tại Seoul. Ảnh: Getty Images

Ngoài việc giúp tìm ra những người cần xét nghiệm, hệ thống điều khiển dữ liệu của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý các trường hợp lây nhiễm. Những người có kết quả dương tính phải tự cách ly và được kiểm soát từ xa thông qua một ứng dụng di động, hoặc được kiểm tra thường xuyên bằng cuộc gọi điện thoại, cho đến khi bệnh viện có giường trống. Ngay khi có giường, xe cứu thương sẽ đón bệnh nhân tự cách ly và đưa vào phòng cách ly kín khí. Tất cả các quá trình này, bao gồm cả nhập viện, đều miễn phí.

Tuy vậy phản ứng của Hàn Quốc chưa phải là hoàn hảo. Trong khi hơn 209.000 người đã có xét nghiệm âm tính, vẫn còn khoảng 18.000 người khác đang chờ xử lý xét nghiệm – đây là một lỗ hổng thông tin, đồng nghĩa vẫn nhiều trường hợp đang có nguy cơ lây lan.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Gang-lip cho biết, các phản ứng truyền thống như phong tỏa chặt các khu vực bị ảnh hưởng và cách ly bệnh nhân chỉ có thể có hiệu quả khiêm tốn và có thể gây ra vấn đề trong những xã hội mở. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, phong tỏa có nghĩa là mọi người tham gia ít hơn trong việc truy tìm các liên hệ mà họ có thể có. Một cách tiếp cận như vậy, theo ông Kim, là “hẹp, ép buộc và không linh hoạt”.

Italy “đến điểm tới hạn”

Italy và Hàn Quốc cách xa hơn 5.000 dặm, nhưng có một số điểm tương đồng khi nói đến dịch Covid-19. Với cả hai quốc gia, dịch khởi phát tập trung ở các thành phố, thị trấn nhỏ thay vì một đô thị lớn - điều này có nghĩa dịch nhanh chóng đe dọa các dịch vụ y tế địa phương. Và ở cả hai nước, ban đầu các bác sĩ liên quan đã quyết định bỏ qua hướng dẫn xét nghiệm.

Một khu vực cấp cứu dã chiến được dựng nhằm giảm áp lực lên bệnh viện ở Brescia, miền Bắc Italy. Ảnh: AP
Một khu vực cấp cứu dã chiến được dựng nhằm giảm áp lực lên bệnh viện ở Brescia, miền Bắc Italy. Ảnh: AP

Dịch bắt đầu tại Italy vào tháng 2. Theo ông Massimo Lombardo, Giám đốc dịch vụ bệnh viện địa phương ở Lodi, một người đàn ông địa phương có triệu chứng cúm đã tới bệnh viện, nhưng sau khi nói với nhân viên y tế rằng anh ta đã không đến Trung Quốc, bệnh nhân đã tự xuất viện, Chẩn đoán chỉ được thực hiện sau khi người đàn ông 38 tuổi, có tên Mattia này trở lại bệnh viện.

Hướng dẫn xét nghiệm tại thời điểm đó cho biết không cần thiết phải kiểm tra những người không có liên hệ với Trung Quốc hoặc các khu vực bị ảnh hưởng khác. Tuy nhiên một bác sĩ vẫn quyết định xét nghiệm Covid-19 với Mattia và kết quả là dương tính.

Ở Italy, ban đầu, chính quyền địa phương đã cho xét nghiệm rộng rãi và thống kê tất cả các kết quả dương tính, kể cả khi người đó không có triệu chứng. Sau đó, vài ngày sau khi bệnh nhân Mattia được phát hiện mắc Covid-19, Italy đã thay đổi chiến thuật, chỉ xét nghiệm và thông báo các trường hợp có triệu chứng. Các nhà chức trách cho biết đây là cách sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất: Nguy cơ lây nhiễm dường như thấp hơn từ những bệnh nhân không có triệu chứng và các xét nghiệm hạn chế giúp tạo ra kết quả đáng tin cậy nhanh hơn. Mặc dù vậy, cách tiếp cận này mang theo rủi ro: Những người không có triệu chứng vẫn có thể bị nhiễm và lây lan virus.

Italy có một hệ thống y tế nói chung hiệu quả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá hệ thống y tế của Italy tuy ở dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu nhưng có thể so sánh với Hàn Quốc, với chi tiêu cho y tế ở mức 8,9% GDP so với 7,3% của Hàn Quốc.

Nhưng hiện tại, hệ thống đó đã bị mất cân bằng. "Cuộc chiến đã bùng nổ và các trận chiến diễn ra không dứt cả ngày lẫn đêm", bác sĩ Daniele Macchini, làm việc trong bệnh viện ở thị trấn Bergamo phía Đông Bắc Milan, phát biểu với tờ Financial Times. "Các ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, chúng tôi tiếp nhận 15-20 ca mới mỗi ngày. Không còn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, bác sĩ chỉnh hình, chúng tôi bỗng nhiên trở thành thành viên của một đội duy nhất đối mặt với cơn sóng thần đã áp đảo chúng tôi".

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.