Như một người Mỹ gốc Á điển hình hay lo xa, 4 ngày trước, tôi mang khẩu trang và găng tay loại dùng một lần đến văn phòng bác sĩ theo lịch hẹn để khám sức khỏe. Cô bác sĩ quen khẽ chau mày khi thấy tôi “trang bị” khá kỹ: “Cô có thể cho tôi biết vì sao cô mang khẩu trang và găng tay không? Chúng tôi làm vệ sinh, khử trùng rất tốt, nên cô không cần lo bị nhiễm SARS-CoV-2”. Tôi nói rằng, tôi muốn mang chúng nếu cô ấy không phiền, vì sự an toàn của tôi và những người chung quanh.
Đường phố ở bang Oklahoma không một bóng người (ảnh chụp chiều 28-3, giờ địa phương). Ảnh: VĂN HẰNG VANG |
Sự chủ quan của một nhân viên y tế đã làm tôi khá ngạc nhiên. Cũng như cô bác sĩ, nhiều người Mỹ tin rằng chỉ cần rửa tay sạch ít nhất 20 giây sau khi chạm vào những vật khác thì sẽ giúp họ loại trừ được SARS-CoV-2, và chỉ người bệnh mới phải đeo khẩu trang.
Vì vậy, việc đeo khẩu trang đi đến nơi công cộng của dân cư gốc Á trở thành một hiện tượng “kỳ quặc” và “không thể chấp nhận”, đến nỗi chúng tôi cũng không dám đeo nếu không đến nơi quá đông người.
Theo suy đoán của tôi, sự chủ quan là một trong những nguyên nhân khiến nước Mỹ hiện có hơn 124.000 ca nhiễm và sẽ còn tăng nhanh nữa. Hai tháng trước, khi SARS-CoV-2 hoành hành ở Vũ Hán (Trung Quốc), hầu hết người gốc Việt đã tích trữ các mặt hàng thiết yếu, nhưng dân Mỹ vẫn rất thờ ơ như thể chuyện như vậy sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước này.
Với những hộ gia đình từ 4-8 người, chúng tôi và nhiều gia đình gốc Việt khác từ lâu đã lòng vòng các cửa hàng để mua đồ đủ dùng cho từ 4-8 tuần, có người còn mua thêm một tủ đá loại vừa để có đủ không gian chứa đồ ăn phòng khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và việc đi ra ngoài nhiều lần có thể dẫn tới nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Chỉ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, dân Mỹ mới nháo nhào đi tìm mua nước rửa tay, nước lau chùi, khăn ướt diệt khuẩn, thức ăn... trên những quầy hàng gần như đã sạch ráo vì cầu lớn hơn cung. Mặt hàng được mua nhiều nhất sau nước rửa tay và đến nay vẫn luôn khan hiếm là giấy vệ sinh, nước uống đóng chai.
Rất nhiều siêu thị dù luôn xoay xở để lấp đầy các kệ trống vào mỗi đầu ngày, nhưng vẫn phải giới hạn số lượng mua mỗi người một mặt hàng để bảo đảm hàng hóa được phân phối đều đến tay người thật sự cần. Vài người bạn của tôi nói đùa rằng, giờ đây họ có cả gia tài mà nhiều người mơ ước như gạo, đồ ăn đóng hộp và đông lạnh.
Hai tuần trước, sau giờ tan làm, tôi chạy vội ra chợ người Việt để mua thêm ít rau thì thấy hàng gạo tẻ đã hết sạch, nhưng còn rất nhiều người châu Á quẩn quanh đi tìm các loại gạo nếp, gạo tấm... để ăn thay thế. Một số người không phải sắc dân châu Á, sau khi đã tìm kiếm gạo trong vô vọng ở các siêu thị Mỹ, cũng bảo nhau đi rảo khắp các chợ Việt để “cầu may”. Người chủ chợ mà tôi thường hay lui tới nói rằng, hàng đã về 3 đợt, lần nào cũng cả ngàn bao gạo loại 50kg nhưng vẫn không kịp bán. Giá cả có tăng nhẹ chút đỉnh - tăng khoảng 3-5 USD/bao.
Vài ngày trước, một người bạn ở thành phố Dallas (tiểu bang Texas), nơi tập trung khá đông người gốc Việt, nhắn tin cho tôi: “Từ khuya nay, thành phố mình sẽ đóng cửa, chỉ ra ngoài khi cần thiết”. Những tin tức như vậy khoảng 3 tuần trở lại đây đã trở nên quen thuộc. Và hôm nay, toàn tiểu bang Oklahoma nơi tôi ở được lệnh phải ở nhà, trừ những trường hợp như đi mua thức ăn, khám sức khỏe, cần trợ giúp về y tế... Việc đóng cửa thành phố đối với các bang còn lại gần như chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn mà thôi.
Sau nhiều năm sống ở Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy một nước Mỹ buồn bã như hôm nay. Nơi đây từng rất tươi vui; bất chấp mù sương hay lạnh giá, người ta vẫn đi mua sắm tấp nập, trẻ con vẫn lăn lộn náo nhiệt trong các khu vui chơi, các tụ điểm ca nhạc vẫn dập dìu kẻ ra người vào. Giờ đây, tất cả trường học đã đóng cửa từ trước kỳ nghỉ xuân giữa tháng 3 cho đến tận năm học sau, và sẽ có kế hoạch học online trong vài ngày tới.
Các nhà hàng chỉ được bán đồ mang đi. Các công viên, sân chơi ngoài trời, rạp chiếu phim, thư viện, các tiệm làm đẹp, sòng bài... đều phải tạm dừng hoạt động đến khi có thông báo mới; chỉ còn lại các siêu thị bán đồ ăn và hiệu thuốc. Những cuộc tụ tập cuối tuần, những cuộc vui trong bar, những chuyến đi chơi bất tận... đã lùi về sau bóng đêm dày đặc của con virus ghê gớm đang tung hoành.
Thậm chí, người ta cũng không buồn ra ngoài sân và mỉm cười chào nhau.
Ở khu làng tôi mới dọn về 2 năm nay, bình thường trẻ con rất đông, đủ mọi sắc dân, từ Việt Nam, Mexico, đến người Mỹ gốc Phi, người da trắng sống chung rất thân thiện. Mọi khi trời vừa ấm, nắng vừa lên, bọn nhỏ đã rủ nhau đạp xe, chơi bóng rổ, đá banh các thứ ồn ào nhặng xị.
Nay hai đứa trẻ ở hai nhà đối diện phải đứng với qua nói chuyện vài câu rồi ai về nhà nấy, mặt đứa nào cũng buồn. Sáng nay, thấy tôi ngồi trong xe giơ điện thoại chụp hình cảnh đường sá xe cộ, con tôi cứ thắc mắc vì sao. Tôi nói rằng, tôi muốn lưu lại những khoảnh khắc dường như là rất bình thường này, để vài ba ngày nữa, nếu có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mình sẽ còn có cái để nhìn ngó và hồi tưởng. Thật buồn!
VĂN HẰNG VANG
(từ bang Oklahoma, Mỹ)