Tác động tâm lý với học sinh khi học ở nhà mùa dịch Covid -19

.

Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid -19) do chủng mới virus Corona gây ra đã khiến hàng trăm triệu học sinh khắp thế giới phải nghỉ học và học từ xa, làm xáo trộn việc học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Theo kênh CNN (Mỹ), từ khi dịch Covid -19 bùng phát tới nay, khoảng 180 triệu trẻ em độ tuổi tới trường ở Trung Quốc buộc phải ở nhà do trường học đóng cửa. Hàng triệu học sinh ở các nước như Mông Cổ, Nhật Bản, Iran, Pakistan, Iraq và Italy cũng bị ảnh hưởng tương tự. Các nước như Mỹ, Australia và Anh cũng cho biết nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn, họ có thể cũng đóng cửa trường học.

Tác động kiến thức

Giáo viên tiếng Anh dạy trực tuyến tại trường tiểu học thực nghiệm quốc tế Lushan ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 10-2. Ảnh: Getty
Giáo viên tiếng Anh dạy trực tuyến tại trường tiểu học thực nghiệm quốc tế Lushan ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 10-2. Ảnh: Getty

Với nhiều học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, quá trình học ở nhà của các em đều có “công thức chung”: máy tính, kết nối internet và một chút tập trung. Tuy nhiên, học trực tuyến khác nhau tùy theo trường và tùy theo quốc gia.

Với em Huang Yiyang 18 tuổi ở Thượng Hải, Trung Quốc, giờ học bắt đầu khi em mở máy tính và ngồi nghe giảng từ 8 giờ tới tận 17h trong bộ đồ mặc ở nhà. Trong giờ thể dục, giáo viên thực hiện động tác để học sinh làm theo. Trong giờ tiếng Anh, học sinh nghe bài giảng qua lớp học ảo. Huang hiếm khi ra khỏi nhà và không gặp bạn bè cả tháng nay.

Khắp Trung Quốc, học sinh tiểu học và trung học đều phải học trực tuyến. Trung Quốc đã bắt đầu phát sóng bài giảng cấp tiểu học trên truyền hình và thiết lập nền tảng học đám mây dựa trên chương trình học toàn quốc để 50 triệu học sinh có thể cùng lúc sử dụng.

Tại Italy, các học sinh mới bắt đầu học từ xa khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và trường học ở các khu vực miền Bắc như Lombardy và Veneto đóng cửa. Tại thành phố Milan, hai cô con gái của một bà mẹ tên là Gini Dupasquier đang học ở nhà thông qua bài thuyết trình PowerPoint, học nhóm trên Google Hangout và trao đổi trực tiếp với giáo viên. Bước đầu, Dupasquier cho biết các con ổn, vui vẻ với cách học mới nhưng cô gặp rắc rối vì phải điều chỉnh lịch làm việc để ở nhà nhiều hơn.

Giáo viên Zhang Weibao giảng bài trước máy quay tại trường trung học ở Urumqi, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc ngày 3-2. Ảnh: Getty
Giáo viên Zhang Weibao giảng bài trước máy quay tại trường trung học ở Urumqi, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc ngày 3-2. Ảnh: Getty

Với học sinh nhỏ thì không sao nhưng với những học sinh cuối cấp, các em gặp vấn đề lớn hơn. Jonathan Ye, học sinh 18 tuổi năm cuối cấp ba tại Thượng Hải muốn học đại học ở Anh. Em vẫn phải làm tốt bài thi tốt nghiệp quốc tế vào tháng 5 tới nếu muốn ra nước ngoài học. Em không chắc có thể làm tốt không khi mà không thể tới lớp học và được giáo viên hướng dẫn trực tiếp.

Vào tháng 6 tới đây, phần lớn học sinh cuối cấp 3 ở Trung Quốc Đại lục sẽ bước vào kỳ thi đại học căng thẳng, cạnh tranh khốc liệt. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ đánh giá để quyết định xem có dời kỳ thi này không.

Tại Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc, dù trường học đóng cửa tới tận 20-4 nhưng kỳ thi đại học vẫn diễn ra vào 27-3 như dự kiến.

Đó là một vấn đề với học sinh sắp thi cử. Một bà mẹ tên Ruth Benny ở Hong Kong cho biết học ở nhà không có tác dụng với cô con gái 14 tuổi. Cô nói: “Gần như con bé không học hành gì cả. Chỉ như kỳ nghỉ dài ngày”.

Tác động tâm lý

Một học sinh học trực tuyến tại nhà ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày 10-2. Ảnh: Getty
Một học sinh học trực tuyến tại nhà ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày 10-2. Ảnh: Getty

Mặc dù học trực tuyến giúp một số học sinh theo kịp chương trình trong khi dịch bệnh đang diễn ra nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề. Với một số em, việc đường truyền internet chập chờn hay khó tập trung khi học ở nhà chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng với một số học sinh, học từ xa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và thậm chí là tương lai học hành.

Theo chuyên gia sức khỏe tâm thần Odile Thiang ở Hong Kong, học ở nhà có thể ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Học không theo lịch hàng ngày, không có hoạt động xã hội có thể ảnh hưởng lớn tới học sinh khi các em phải ở nhà cùng bố mẹ trong thời điểm căng thẳng.

Ông Chris Dede, giáo sư khoa giáo dục sau đại học tại Đại học Harvard, cho biết có nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh phải nghỉ học do ốm nặng, không được gặp bạn bè sẽ chịu tác động tâm lý tiêu cực.

Trẻ em học ở nhà có thể chịu ảnh hưởng tương tự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả trường đều học từ xa, dẫn tới không chỉ một mà rất nhiều em có cảm giác cô độc. Ông nói: “Điều tệ nhất với học sinh là bị cô lập ở nhà, không có tương tác với bạn bè, không có cơ hội được giáo viên hỗ trợ học tập”.

Giáo viên giảng bài qua điện thoại di động tại trường trung học ở Đông Hải, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 17-2. Ảnh: Getty
Giáo viên giảng bài qua điện thoại di động tại trường trung học ở Đông Hải, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 17-2. Ảnh: Getty

Đây không phải lần đầu tiên các trường học phải đóng cửa và học sinh phải học từ xa. Ở những nước có mùa đông khắc nghiệt, học sinh thỉnh thoảng phải nghỉ học vì thời tiết. Ở Hong Kong, khi xảy ra biểu tình năm 2019, một số trường cũng phải đóng cửa.

Hình thức học từ xa không phải là điều xảy ra chỉ trong giai đoạn dịch bệnh. Học sinh nhiều khu vực hẻo lánh ở Australia từ lâu đã học qua đài phát thanh. Ở Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo đã giúp học sinh ở khu vực nông thôn học hành tốt hơn.

Theo ông Dede, kết hợp học trực tuyến và học trực tiếp tốt hơn là học hoàn toàn trực tiếp hoặc hoàn toàn trực tuyến. Tuy nhiên, theo ông Dede, điều quan trọng không phải là phương tiện mà là chất lượng và phương pháp giảng dạy. Giáo sư Dede coi đây là cơ hội để các nhà giáo dục thử nghiệm cách tiếp cận giảng dạy mới và xem cách nào hiệu quả để áp dụng khi trường học mở cửa.

Dù vậy, học sinh thế giới vẫn còn may mắn vì dịch Covid -19 xảy ra trong thời đại mạng xã hội, internet và thiết bị thông minh. Do đó, tình trạng bị cô lập và mất cơ hội học hành sẽ không quá lớn nếu như xảy ra cách đây 20 năm.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.