Thế giới chi hàng nghìn tỷ USD giải cứu kinh tế

.

Các nước trên thế giới công bố những gói hỗ trợ giải cứu kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19. Trong đó, Mỹ “bơm” đến 1.000 tỷ USD, Anh “bơm” 400 tỷ USD.

Phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: Reuters
Phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, sau khi bị chỉ trích vì phản ứng chậm với đại dịch Covid-19, chính phủ Mỹ và Anh đã công bố các gói hỗ trợ kinh tế “khủng”. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất “bơm” 1.000 tỷ USD. Đề xuất này đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong lúc kinh tế Mỹ được dự báo có thể tăng trưởng chậm lại và rơi vào suy thoái.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định sẽ làm mọi việc để chống lại “kẻ thù vô hình”. “Chúng ta phải thắng trong cuộc chiến này”, ông Trump nói. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn người dân nước ông được hỗ trợ tiền mặt trong lúc cường quốc này có hơn 6.100 ca nhiễm và 110 ca tử vong. Các hãng hàng không Mỹ cũng muốn tìm kiếm các khoản vay và tài trợ trị giá ít nhất 50 tỷ USD để duy trì hoạt động. Song, nếu Quốc hội thông qua gói kích cầu 1.000 tỷ USD của ông Trump, gánh nặng thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ thêm nặng nề khi mức thâm hụt hiện nay lên đến 1.000 tỷ USD.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tiết lộ gói ngân sách trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) để cứu các doanh nghiệp khỏi phá sản. Anh đang thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan sau khi có khuyến cáo từ các nhà khoa học rằng, số người nhiễm bệnh và tử vong sẽ gia tăng nếu chính phủ không hành động quyết liệt. Theo đó, các nhà chức trách yêu cầu người dân Anh tránh ra nước ngoài, không tụ tập đông người. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được công bố trong những ngày tới.
Pháp cam kết “bơm” 45 tỷ euro (50 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Việc bảo vệ các doanh nghiệp có thể bằng cách bơm vốn hoặc mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa công ty trong trường hợp cần thiết. Từ ngày 17-3, chính phủ phong tỏa 67 triệu dân, một động thái chưa từng có trong thời bình ở Pháp. Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire nói rằng, chống Covid-19 là cuộc chiến về kinh tế, tài chính và cuộc chiến sẽ kéo dài, cần huy động mọi lực lượng. Pháp hiện có 6.600 ca nhiễm và 148 ca tử vong.

Tại Ý, vùng tâm dịch lớn nhất châu Âu, chính phủ đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Ý hoãn thanh toán nợ đối với các công ty có nhà nước bảo lãnh, tăng ngân sách giúp doanh nghiệp chi trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ việc. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhận định, Covid-19 đang gây ra “cơn sóng thần về kinh tế - xã hội”. Trong vòng 24 giờ, Ý có thêm 345 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 2.503 và tổng cộng hơn 31.000 người mắc bệnh. Nếu những con số này vẫn tăng nhanh, thời gian phong tỏa cả nước sẽ có thể kéo dài, thay vì đến ngày 3-4.  

Tây Ban Nha cũng đưa ra gói tài chính 200 tỷ euro (220 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các công ty, người lao động và các tổ chức bị ảnh hưởng dịch bệnh. Trong đó, 50% được dùng để bảo lãnh tín dụng cho các công ty do nhà nước hậu thuẫn, 50% còn lại là các khoản vay và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng. Chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ trợ cấp cho người lao động tạm thời nghỉ việc.

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mở rộng chương trình mua tài sản, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản. Ngày 19-3, chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo sẽ thành lập hội đồng gồm các bộ trưởng để đưa ra gói hỗ trợ kinh tế. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ dùng ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won (9,47 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho người thu nhập thấp trong 4 tháng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính 32.000 tỷ won (25,9 tỷ USD).

Các nước đang khẩn trương ứng phó với đại dịch Covid-19. Mỹ ban đầu đánh giá thấp ảnh hưởng của Covid-19, châu Âu cũng nhận định sai về “sự tàn phá” của dịch bệnh, thì nay tất cả đều phải chạy đua để bảo vệ người dân và nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hiện thống nhất áp đặt các biện pháp phong tỏa biên giới và cấm nhập cảnh trong 30 ngày. Các châu lục, các nước/vùng lãnh thổ rồi đây sẽ có nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan và ứng phó với tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế.  

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.