Thế giới hành động chống Covid-19

.

Các nước trên khắp thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp, tiếp tục đóng cửa biên giới, áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, nghiêm cấm tụ tập đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Phun thuốc khử trùng tại ga tàu điện ngầm
Phun thuốc khử trùng tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Đến nay, Covid-19 xuất hiện ở 141 quốc gia/vùng lãnh thổ, làm hơn 154.000 người mắc bệnh và 5.900 người tử vong.

Người Mỹ lo sợ

Tình trạng khẩn cấp quốc gia mà Tổng thống Donald Trump ban bố khiến người dân Mỹ bắt đầu lo sợ Covid-19. Ít nhất 16 bang đóng cửa các trường học. Nhiều bang vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên như Virginia, Louisiana và New York. Trước các cửa hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm gia đình trên khắp nước Mỹ là những dòng người xếp hàng để mua thực phẩm khô, giấy vệ sinh, nước sát khuẩn… Hiện Mỹ có hơn 2.800 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 người tử vong. Riêng bang Tây Virginia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Hãng Reuters cho biết, sau khi xác định Tổng thống Trump không mắc Covid-19, Nhà Trắng bắt đầu kiểm tra thân nhiệt bất kỳ ai muốn gặp gỡ nhà lãnh đạo này và Phó Tổng thống Mike Pence.

Theo Phó Tổng thống Pence, chính phủ Mỹ sẽ nới rộng lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với cả Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, thay vì chỉ áp đặt với 26 quốc gia châu Âu thành viên khối Schengen. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 16-3 và không ảnh hưởng đến công dân Mỹ cũng như thường trú nhân hợp pháp.

Người Mỹ đang lo lắng về chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2. Hơn 27 triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế, trong khi hàng chục triệu người có bảo hiểm cơ bản thường chỉ được thanh toán một phần chi phí cho bất kỳ lần kiểm tra sức khỏe hay điều trị bệnh. Ngành y tế Mỹ cũng bị chỉ trích vì thiếu dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và tiến hành xét nghiệm rất chậm. Tổng thống Trump cho biết, tuần này, sẽ có thêm khoảng 500.000 bộ thử virus SARS-CoV-2. Chính phủ của ông cũng sẽ sử dụng khoản ngân sách trị giá 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ các bang và địa phương chống dịch.

Ý: 1 ngày có hơn 2.500 ca nhiễm mới

Hãng Reuters cho biết, chính phủ của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có như cấm tụ tập đông người, hạn chế đi lại, yêu cầu mọi người ở nhà. Các trường học, nhà hàng và hầu hết cửa hiệu đóng cửa. Song, chính phủ cho phép các doanh nghiệp hoạt động và cam kết giảm thuế cùng những hỗ trợ khác.

Ngày 15-3, Ý ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm mới và 252 ca tử vong, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ ở nước này. Là vùng tâm dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục, hiện Ý có tổng cộng hơn 21.000 ca mắc Covid-19, 1.441 người tử vong và hơn 1.900 trường hợp hồi phục.

Trong khi đó, Tây Ban Nha công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày, áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 47 triệu dân kể từ ngày 14-3. Theo đó, người dân phải ở nhà, ngoại trừ ra phố mua thực phẩm, thuốc men, đi làm việc, đến bệnh việc hoặc các trường hợp khẩn cấp. Bar, nhà hàng, cửa hàng đều đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm và các mặt hàng chủ lực khác. Chính phủ cũng yêu cầu ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao và đóng cửa trường học. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bày tỏ tin tưởng đất nước này sẽ chiến thắng Covid-19 và điều quan trọng là chỉ trả “cái giá” nhỏ nhất có thể.
Tây Ban Nha hiện có hơn 6.200 ca mắc Covid-19 và 193 trường hợp tử vong. Ngày 14-3, chính phủ Madrid ghi nhận thêm 1.500 ca nhiễm mới, trong đó có bà Begona Gomez - vợ của ông Sanchez. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai của châu Âu, sau Ý.

Tại Pháp, Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng, chính phủ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các nhà hàng, cửa hiệu, cơ sở giải trí kể từ ngày 15-3; yêu cầu 67 triệu người ở nhà trong lúc có 91 người tử vong và 4.500 người mắc bệnh. “Chúng ta phải hoàn toàn hạn chế di chuyển”, ông Philippe nói. Lệnh này không áp dụng đối với các cửa hàng thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu và thuốc lá.

Song, theo Thủ tướng Philippe, các cuộc bầu cử địa phương vẫn diễn ra vào ngày 15-3 trong sự giám sát nghiêm ngặt về vệ sinh và thực hiện việc giữ khoảng cách giữa mỗi người. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố đóng cửa các trường học từ ngày 16-3 và khuyến cáo những người từ 70 tuổi trở lên nên ở nhà.

Ở Anh, trong bài viết trên báo Sunday Telegraph, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock gọi Covid-19 là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng lớn nhất trong một thế hệ”, đồng thời kêu gọi người trên 70 tuổi tự cách ly.

Hàn Quốc xem các ổ dịch là “vùng thảm họa”

Hãng Yonhap cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15-3 tuyên bố thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc, hai địa phương xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng nhất, là “vùng thảm họa đặc biệt”. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tuyên bố vùng thảm họa mà không liên quan thiên tai. Theo đó, chính phủ có thể trợ cấp cho các địa phương này lên tới 50% chi phí cần thiết để khắc phục thiệt hại, miễn thuế và các khoản thanh toán tiện ích cho người dân. Daegu là “ổ dịch” chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc. Ba “ổ dịch” khác thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc là thành phố Gyeongsan cùng hai huyện Cheongdo và Bonghwa.

Cũng trong ngày 15-3, Hàn Quốc ghi nhận thêm 76 ca nhiễm, 3 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh, tử vong lần lượt là hơn 8.100 và 75 ca. Theo Yonhap, lần đầu tiên trong 23 ngày qua Hàn Quốc có số ca nhiễm mới dưới mốc 100 ca.

Từ ngày 15-3, Hàn Quốc mở rộng áp dụng “quy trình nhập cảnh đặc biệt” với những người từng thăm hoặc cư trú tại 5 quốc gia châu Âu gồm: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan. Tuyên bố của Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn thảo về việc Hàn Quốc đã nỗ lực giảm sự lây lan của SARS-CoV-2. Seoul dự kiến chia sẻ thông tin về “kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh”, kết quả xét nghiệm lâm sàng, đồng thời thảo luận các biện pháp phản ứng đối với sự sụt giảm kinh tế. 

Cũng tại khu vực châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu những du khách đến từ châu Âu, Anh và Ireland phải tự cách ly 14 ngày. New Zealand áp dụng biện pháp tương tự cho bất kỳ ai nhập cảnh. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đề nghị tàu du lịch không đến nước này cho tới ngày 30-6. New Zealand hiện ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 và không có trường hợp tử vong, nhưng bà Ardern nói rằng những con số này chắc chắn sẽ tăng.

Ở Úc, lệnh cấm các sự kiện ở nơi công cộng có hiệu lực từ ngày 16-3, đồng thời cấm tất cả tàu du lịch từ các cảng biển ở nước ngoài tới nước này trong vòng 30 ngày.

Thủ đô Manila của Philippines, nơi có 12 triệu dân, công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm và thúc giục các trung tâm mua sắm đóng cửa trong 1 tháng.

Trung Quốc khôi phục giao thông hàng trăm tuyến đường

Hãng Tân Hoa xã cho biết, mạng lưới giao thông quốc gia ở Trung Quốc “cơ bản hoạt động bình thường” và 28 địa phương đã nối lại giao thông liên tỉnh. 549 đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường làng bị phong tỏa trước đây hiện hoạt động trở lại. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu vừa khôi phục các tuyến đường sắt. Bắc Kinh và Hàng Châu cũng mở cửa trở lại các điểm du lịch, nhà hàng, phòng gym.

Trẻ em chơi đùa ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.   Ảnh: AFP/Getty Images
Trẻ em chơi đùa ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Từ ngày 16-3, khu vực Tân Cương mở cửa lại các trường học. 144 trường trung học và trường dạy nghề ở tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc, cũng mở cửa.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa và hạn chế hoạt động vẫn được áp đặt ở nhiều nơi khác. Tại Bắc Kinh, các nhà hàng được mở cửa nhưng không cho phép thực khách ngồi đối diện nhau, các bàn phải đặt cách nhau 1m. Tất cả hành khách nhập cảnh vào thủ đô Bắc Kinh phải cách ly tập trung 14 ngày và tự chịu mọi chi phí.

Ngày 15-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận 20 ca nhiễm mới, tăng từ 11 ca so với một ngày trước. Trong số 20 ca này, có 16 trường hợp là người nhập cảnh.

Iran lo không đủ khả năng chống dịch

Iran hiện có gần 14.000 ca mắc Covid-19 và 724 trường hợp tử vong. Song, theo AP, con số thực tế có thể cao hơn. Phát biểu với hãng IRNA, quan chức dẫn đầu chiến dịch chống Covid-19 của Iran Ali Reza Zali nhấn mạnh, nếu các con số tiếp tục tăng, nước này sẽ không đủ khả năng chống dịch.

Iran hiện có khoảng 110.000 giường bệnh, trong đó có 30.000 giường bệnh ở thủ đô Tehran. Các nhà chức trách cam kết sẽ thiết lập các phòng khám di động khi cần thiết. Bộ Y tế Iran dẫn các con số cho thấy, 55% số ca tử vong là những người ở tuổi 60 và 15% dưới 40 tuổi.

Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15-3 bác bỏ biện pháp tổng kiểm dịch và nói rằng chính phủ vẫn mở cửa biên giới.

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.