Gói cứu trợ quan trọng nhất của châu Âu

.

Sau các cuộc đàm phán marathon tại Brussels (Bỉ), các Bộ trưởng Tài chính châu Âu rốt cuộc đã thống nhất gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (540 tỷ USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề. Pháp gọi đây là gói cứu trợ quan trọng nhất trong lịch sử châu Âu.

Nhân viên siêu thị trao khẩu trang cho người đi mua sắm ở Vienna (Áo).  Ảnh: Getty Images
Nhân viên siêu thị trao khẩu trang cho người đi mua sắm ở Vienna (Áo). Ảnh: Getty Images

Hãng tin Bloomberg cho biết, gói cứu trợ bao gồm: một khoản vay lên tới 240 tỷ euro từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một quỹ bảo lãnh 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp và gần 100 tỷ euro hỗ trợ tình trạng thất nghiệp. Ngoài ra, các nước EU cũng thống nhất huy động thêm 500 tỷ euro từ các nguồn khác nhau dành cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Quỹ phục hồi này có thể được quyết định trong 6 tháng tới.

Cuộc họp kết thúc vào tối 9-4 trong tiếng vỗ tay của các bộ trưởng. Hãng BBC dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, thỏa thuận nói trên là kế hoạch kinh tế quan trọng nhất trong lịch sử EU.

Trước đó, bất đồng gay gắt khiến châu Âu tưởng chừng không thể tìm được tiếng nói chung về kế hoạch cứu trợ. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thậm chí cảnh báo “sự kết thúc của châu Âu”. “Đây là thách thức lớn đối với sự tồn tại của châu Âu. Nếu châu Âu không đưa ra được chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp với thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, không chỉ người Ý mà cả công dân châu Âu sẽ thất vọng sâu sắc”, ông Conte nói. 

Ý và Tây Ban Nha đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề. Ý có hơn 143.600 ca mắc Covid-19 và 18.200 ca tử vong. Số ca nhiễm ở Ý xếp thứ ba thế giới (sau Mỹ và Tây Ban Nha), nhưng số ca tử vong nhiều nhất. Trong khi đó, Tây Ban Nha có hơn 152.400 ca nhiễm và 15.200 ca tử vong. Các chính phủ Rome và Madrid đã kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động hàng chục tỷ euro để hỗ trợ kế hoạch phục hồi.

Theo Bloomberg, số người chết do Covid-19 ở châu Âu chiếm hơn 65% số ca tử vong của toàn cầu. Khủng hoảng y tế lần này một lần nữa cho thấy sự rạn nứt nội tại của EU như lúc xảy ra khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, hay vấn đề người tị nạn và sau đó là Brexit (Anh rời EU).

Khi Covid-19 lan tràn toàn cầu và châu Âu trở thành tâm dịch lớn nhất, hầu hết các quốc gia ở “lục địa già” hành động một mình theo hướng vì lợi ích của mỗi nước. Song, khi cần sự hỗ trợ thì các nước Bắc Âu không ủng hộ những nước Nam Âu như Ý và Tây Ban Nha, vốn có gánh nợ lớn và không đủ nguồn lực tài chính để ứng phó với Covid-19. Trong cuộc họp ngày 8-4, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan mâu thuẫn về các điều kiện gắn với kế hoạch cứu trợ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, các nước muốn vay tiền từ ESM phải cam kết tiến hành những cải cách về kinh tế. Đến ngày 9-4, Hà Lan rút lại điều kiện này nên các nước mới đạt được thỏa thuận nói trên.

Một vấn đề được tranh luận gay gắt nhất là “Trái phiếu Corona” (Eurobonds) - công cụ tài chính thông qua khoản vay chung của tất cả 19 quốc gia thuộc Eurozone - vẫn chưa được giải quyết. Ý, Tây Ban Nha, Pháp cùng một số chính phủ khác muốn thúc đẩy “Trái phiếu Corona”, nhưng vấp phải phản ứng của các nước giàu có ở Bắc và Tây Âu như Đức, Hà Lan. “Chúng tôi bảo lưu quan điểm phản đối Eurobonds”, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra viết trên Twitter sau cuộc họp và lý giải rằng, khoản vay chung này sẽ không giúp ích cho châu Âu cũng như Hà Lan về lâu dài.

Chính phủ Pháp vừa công bố kế hoạch chi 100 tỷ euro để cứu trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ làm tăng mạnh thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm nay lên 7,6% GDP (vượt xa mức trần theo quy định của Eurozone là 3% GDP) và nợ công tăng lên 112% GDP. Trong khi đó, các chuyên gia lần lượt đưa ra những nhận định về tình trạng suy thoái của nhiều nước châu Âu, chẳng hạn tăng trưởng quý 1-2020 của Vương quốc Anh có thể giảm 1-1,5% và quý 2 có thể giảm hơn 10%.

Bức tranh kinh tế toàn cầu dưới tác động của Covid-19 rất ảm đạm với “tăng trưởng ở mức âm cực lớn trong năm 2020”, theo cảnh báo của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Hãng AFP dẫn lời bà Georgieva cảnh báo, thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.