Tình hình Covid-19 tại ASEAN hết ngày 16-4: Toàn khối 1.003 ca tử vong, các nước triển khai nhiều biện pháp ứng phó đại dịch

.

Hết ngày 16-4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 24.5100 ca mắc bệnh Covid-19 và trên 1.000 người tử vong. Diễn biến dịch tại ASEAN phân chia rõ ràng hai nhóm, một nhóm 5 nước virus SARS-CoV-2 tiếp tục bùng phát nghiêm trọng và nhóm 6 nước đang kiềm tỏa hiệu quả đại dịch.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 30-3-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Tính tới 23 giờ 59 ngày 16-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 24.105 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 1.475 trường hợp mắc bệnh mới.

Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.003 người dân ở khu vực thiệt mạng, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 6.413 trường hợp.

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục có số ca mắc Covid-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 3 liên tiếp (728 người), trong khi Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất với 27 ca mới.

  Người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 bên ngoài một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19 bên ngoài một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15-4-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Tại ASEAN, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand là “Top 5” nước chứng kiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn hẳn nhóm 6 nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua hàng tại siêu thị ở Singapore ngày 3/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 khi mua hàng tại siêu thị ở Singapore ngày 3-4-2020. Ảnh: AFP- TTXVN

Singapore là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong vòng 24 giờ qua.

Bộ Y tế Singapore ngày 16-4 đã xác nhận thêm 728 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 - mức kỷ lục về số lượng ca bệnh mới trong một ngày ở Singapore, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 4.427 người.

Con số mới được ghi nhận này cao hơn so với con số 447 ca của một ngày trước đó. Theo bộ trên, trong số những ca bệnh mới, có 654 trường hợp liên quan đến những khu nhà ở của các lao động nhập cư.

Tuy nhiên, Singapore cùng ngày không ghi nhận thêm ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Như vậy, dịch bệnh Covid-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 10 người tại "đảo quốc sư tử".

Giới chức sở tại đã cố gắng giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và dịch bệnh Covid-19 bằng cách truy tìm, giám sát các cuộc tiếp xúc trong cộng đồng một cách nghiêm khắc - điều đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao.

 Cảnh vắng vẻ tại ga tàu điện ngầm ở Bangkok, Thái Lan ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Cảnh vắng vẻ tại ga tàu điện ngầm ở Bangkok, Thái Lan ngày 6-4-2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ảnh: THX- TTXVN

Tại Thái Lan, nước này đã ghi nhận thêm 29 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong. Kể từ khi bùng phát dịch cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 2.672 ca mắc Covid-19, trong đó có 46 ca tử vong.

Số bệnh nhân mắc Covid-19 mới trong ngày tiếp tục duy trì xu hướng giảm ở mức hai con số kể từ ngày 8-4. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất theo ngày ở Thái Lan là 188 ca vào ngày 22-3 vừa qua.

Với các công dân từ nước ngoài trở về, Thái Lan thực hiện nghiêm biện pháp cách ly và các nhóm sàng lọc Covid-19 đã được triển khai tại tất cả các tỉnh ở miền Nam nước này.

Nội các Thái Lan đã thông qua việc cắt giảm 50% đầu tư và 25% các khoản ngân sách thường xuyên trong năm tài khóa 2021 nhằm huy động vốn để giảm nhẹ gánh nặng tài chính do đại dịch Covid-19. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết tất cả các cơ quan nhà nước được yêu cầu sửa đổi ngân sách tài khóa phù hợp với kế hoạch mới và tái trình lên Cục Ngân sách vào ngày 22-4.

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Bantul, tỉnh Yogyakarta, Indonesia ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở Bantul, tỉnh Yogyakarta, Indonesia ngày 13-4-2020. Ảnh: THX- TTXVN

Indonesia tới hết ngày 16-4 đã ghi nhận tổng cộng 5.516 ca mắc Covid-19, trong đó có 496 ca tử vong và 549 người được chữa khỏi. Trong vòng 24h qua, "quốc gia vạn đảo" ghi nhận thêm 27 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nhiều nhất khu vực.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đang hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để sản xuất chung thiết bị y tế giúp ngăn chặn đại dịch. Kế hoạch sản xuất chung được Indonesia thực hiện cũng nhằm khắc phục tình trạng thiếu thiết bị y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và các sản phẩm khác.

Tại cuộc họp báo trực tuyến, bà Retno cũng cho biết ngoài hai nước trên, Indonesia đang đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Chính phủ Indonesia nhập khẩu những nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất các thiết bị y tế. Bà cũng đang tiếp tục liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao của các nước khác để cùng hợp tác tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

 Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Manila, Philippines ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan tại Manila, Philippines ngày 7-4-2020. Ảnh: THX-TTXVN

Hết ngày 16-4, giới chức Philippines đã xác nhận 5.660 ca mắc và 362 ca tử vong vì dịch bệnh.

Ngày 16-4, Ngân hàng trung ương Phillipines đã quyết định giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) để hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Đây là lần thứ 3 Philippines cắt giảm lãi suất trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 2,75%. Trước đó, ngân hàng này từng giảm 25 bps lãi suất cơ bản hồi tháng 2 và tiếp đó giảm thêm 50 bps vào tháng 3 vừa qua.

Lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 17-4. Quyết định này được đưa ra trước khi ngân hàng tổ chức họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 21-5 tới. Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines Benjamin Diokno từng đề cập tới khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong bối cảnh Philippines, cũng giống như nhiều quốc gia khác đang chật vật ứng phó với những tác động nghiêm trọng về kinh tế và y tế từ dịch bệnh Covid-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia. Ảnh: THX- TTXVN

Ngày 16-4, Malaysia ghi nhận thêm 110 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 5.182 người.

Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm một ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này lên thành 84 người.

Điểm nổi bật, cho thấy Malaysia đang kiềm chế dịch thành công, đó là số bệnh nhân được điều trị khỏi tại nước này đạt mức cao nhất khu vực, với 2.766 ca. Xu thế giảm số ca nhiễm virus tiếp tục diễn ra ở Malaysia và hiện nước này đã tụt xuống vị trí thứ ba trong ASEAN tính về tổng số ca mắc bệnh.

 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại tỉnh Kandal, Campuchia, ngày 5/4/2020.Ảnh: AFP/TTXVN
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại tỉnh Kandal, Campuchia, ngày 5-4-2020.Ảnh: AFP-TTXVN

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này xác nhận ngày 16-4 là ngày thứ tư liên tiếp không phát hiện ca mắc Covid-19 mới, trong khi đã có thêm 2 bệnh nhân bình phục. Campuchia đã có tổng cộng 122 bệnh nhân Covid-19, trong đó 98 trường hợp đã khỏi bệnh.

Cùng ngày, trang thông tin Fresh News đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen công bố quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, có hiệu lực từ 6h ngày 16-4.

Trước đó, Chính phủ Campuchia ban bố lệnh hạn chế đi lại từ thủ đô Phnom Penh tới toàn bộ các tỉnh trong cả nước để đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên diện rộng. Lệnh này, có hiệu lực từ ngày 9-4 đến hết ngày 16-4, giới hạn người dân đi lại trong phạm vi tỉnh của mình.

Trong dịp Tết năm mới Chol Chhnam Thmey, Bộ Lao động và đào tạo nghề Campuchia cho hay hơn 95% trong tổng số các nhà máy-xí nghiệp ở nước này vẫn đảm bảo hoạt động bình thường. Chính phủ Campuchia cũng kêu gọi thực hiện biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an ninh lương thực.

 Phun thuốc khử trùng bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phun thuốc khử trùng bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 17-3-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Brunei cho biết nước này đang lên kế hoạch sử dụng các thiết bị giám sát các bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi và những người đang cách ly tại nhà. Bộ trên tin rằng việc sử dụng các thiết bị điện tử sẽ giúp giám sát hiệu quả quá trình cách ly 14 ngày của người dân.

Trước đó, Brunei đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày 15-4. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Brunei không có ca mắc Covid-19 mới nào. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 136 ca.

Trong khi đó, Myanmar trong ngày 16-4 cũng ghi nhận thêm 11 ca Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 85 trường hợp.

Timor Leste sau một thời gian không ghi nhận ca bệnh mới, trong vòng 24h qua, đã chứng kiến thêm 10 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 18. Tuy nhiên, Timor Leste tiếp tục làm nước có số ca mắc Covid-19 thấp nhất trong ASEAN.

Các nước thành viên ASEAN khác trong ngày không có nhiều biến động về tình hình đại dịch Covid-19.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.