CHỐNG COVID-19

WHO tìm tiếng nói chung của toàn cầu

.

Lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) tổ chức họp trực tuyến bàn cách ứng phó với đại dịch khi có tổng cộng hơn 4,7 triệu người nhiễm bệnh và 315.000 người tử vong.

Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã thực hiện 400.000 ca xét nghiệm trong 3 ngày đầu của chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân do lo ngại làn sóng thứ hai dịch bệnh.             Ảnh: Getty Images
Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã thực hiện 400.000 ca xét nghiệm trong 3 ngày đầu của chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân do lo ngại làn sóng thứ hai dịch bệnh. Ảnh: Getty Images

Cuộc họp của WHA thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra vào ngày 18 và 19-5 trong lúc có những lo ngại rằng, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, Úc - Trung Quốc, hay Mỹ - châu Âu có thể dẫn đến sự thiếu hành động mạnh mẽ để ứng phó với Covid-19. Hãng AFP dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi cuộc họp là “một trong những sự kiện quan trọng nhất của WHA kể từ khi WHO được thành lập vào năm 1948 đến nay”.

Tuy nhiên, khả năng đạt được thỏa thuận về các biện pháp toàn cầu - theo dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế này rất mong manh, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc vì ông cho rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc ngăn chặn Covid-19.

Trước đó, ông Trump chỉ trích Trung Quốc về cách ứng phó với Covid-19 và sự thiếu minh bạch liên quan nguồn gốc của dịch bệnh. Ông cũng chỉ trích WHO nghiêng sang phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch bệnh. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí đã ngừng tài trợ cho WHO.

EU muốn tìm sự thống nhất của toàn cầu trong phản ứng với Covid-19. Vì vậy, giới chức ở Brussels đã soạn thảo nghị quyết kêu gọi “sự đánh giá toàn diện, độc lập và công bằng” về phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với đại dịch. Song, theo AFP, dự thảo này bị đánh giá là “tham vọng”. Nếu được thông qua như mong đợi, dự thảo sẽ đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn toàn cầu tìm được tiếng nói chung trước một văn bản về phản ứng với Covid-19.

Nghị quyết nói trên cũng kêu gọi WHO hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quốc tế khác và các nước để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2, đồng thời tìm hiểu virus này lây lan sang con người như thế nào. Hầu hết giới khoa học tin rằng, virus lây truyền từ động vật sang con người ở thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc) - nơi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên.

Hãng CNN cho hay, dự thảo nghị quyết không đề cập cụ thể Trung Quốc, nhưng cường quốc châu Á này đang đối mặt với cuộc điều tra của quốc tế về cách ứng phó ban đầu khi Covid-19 bùng phát. Hiện 116 quốc gia thành viên của WHO ủng hộ việc điều tra độc lập về Covid-19, trong đó có Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Canada, Brazil và các thành viên EU. Vẫn còn thiếu 13 phiếu ủng hộ để WHA thông qua việc điều tra. Úc và EU đang nỗ lực vận động các nước châu Phi nhằm đạt số phiếu ủng hộ cần thiết.

Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 18-5 hoan nghênh sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc điều tra độc lập, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Thậm chí, quan hệ thương mại giữa Canberra và Bắc Kinh đang căng thẳng khi 4 nhà xuất khẩu thịt bò lớn của Úc bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấm cửa. Giới chức Úc gọi đây là “sự cưỡng ép về kinh tế” nhưng Canberra vẫn ủng hộ cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2.

Trong lúc đó, Mỹ và châu Âu cũng đang căng thẳng xung quanh việc tiếp cận vaccine Covid-19. Washington bị “tố” về việc “hớt” vaccine trên tay Pháp. Hãng dược Sanofi có trụ sở tại Pháp tuyên bố lô vaccine Covid-19 đầu tiên của tập đoàn sẽ được chuyển cho Mỹ. Điều này khiến Điện Elysée thất vọng về cả hành động của Sanofi lẫn Washington. Các nước thuộc EU cũng thấy mình đang chậm chân hơn so với Mỹ trong việc rót tiền để nghiên cứu hoặc tiếp cận vaccine Covid-19.

Tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, “còn quá sớm” để mở cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ủng hộ cuộc điều tra “vào thời điểm phù hợp”. Giờ đây, thế giới đang chờ hành động của WHA khi cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 19-5.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.