Nhật Bản chưa trở lại cuộc sống bình thường

.

Tính đến ngày 4-5, Nhật Bản có hơn 15.000 ca mắc Covid-19 và 510 ca tử vong. Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo chuẩn bị tái khởi động một phần nền kinh tế nhưng nhà lãnh đạo này nói rằng sẽ chưa thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản treo màn trong suốt để ngăn nhân viên và khách hàng tiếp xúc trực tiếp. 			                    Ảnh: HUỲNH NGUYỄN CHÂU GIANG
Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản treo màn trong suốt để ngăn nhân viên và khách hàng tiếp xúc trực tiếp. Ảnh: HUỲNH NGUYỄN CHÂU GIANG

Khi đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu làm hơn 3,5 triệu người mắc và gần 250.000 người tử vong, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Thủ đô Tokyo đã trở thành tâm dịch lớn nhất ở Nhật Bản, thay thế Hokkaido chỉ trong vài tuần đầu tháng 3. Có thể lý giải về sự bùng nổ dịch bệnh ở Nhật Bản bằng nhiều yếu tố, một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất là chính phủ đã đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19.

Kéo dài tình trạng khẩn cấp đến 31-5

Sự chậm trễ đưa ra quyết định phòng, chống dịch dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm việc hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020, suy giảm tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 tăng lên 2,5% - mức cao nhất trong một năm qua.

Những tổn thất nặng nề cũng như chỉ trích, áp lực từ truyền thông đã buộc chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo phải có những kế hoạch, đối sách để ngăn chặn sự lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngày 7-4, ông Abe ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành.

Ngày 16-4, ông Abe mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra tất cả 47 tỉnh, thành trong cả nước và động thái này như sự thừa nhận ngầm của chính phủ về những thiếu sót, chậm trễ trong việc phòng, chống dịch. Giờ đây, ông Abe sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31-5.

Các trung tâm mua sắm và cửa hàng quần áo đều đóng cửa. Quán ăn, nhà hàng giới hạn thời gian mở cửa cũng như thời gian làm việc của nhân viên. Trong khi đó, các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi treo những tấm màn trong suốt để ngăn nhân viên và khách hàng tiếp xúc trực tiếp. Thêm vào đó, những quy tắc như tránh chạm tay giữa khách hàng và nhân viên, bảo đảm khoảng cách khi xếp hàng cũng được thực hiện nghiêm túc.

Một tuần sau khi áp dụng tình trạng khẩn cấp, số lượng người đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng ở Shinjuku, trung tâm Tokyo giảm gần 80% so với hồi tháng 1 và tháng 2. Ngày 26-4, chỉ 72 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Tokyo và 210 ca nhiễm mới trên cả nước, giảm hơn ⅓ so với con số vào giữa tháng 4 (Tokyo có 201 ca nhiễm mới vào ngày 17-4). Điều này cho thấy những tiến triển trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như hiệu quả của tình trạng khẩn cấp.

Cộng đồng người Việt chung tay vượt qua đại dịch

Covid-19 không chỉ mang lại nhiều khó khăn cho người dân và áp lực cho chính phủ Nhật Bản, mà du học sinh hay người lao động Việt Nam ở xứ sở hoa anh đào cũng đối mặt với rất nhiều trở ngại và nỗi lo sợ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng tình trạng khẩn cấp đã cắt đứt nguồn thu nhập của lao động và du học sinh Việt Nam.

Song, sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ Nhật Bản bằng việc phát khẩu trang miễn phí, cấp cho toàn bộ cư dân (kể cả lao động và du học sinh nước ngoài có trong danh sách thường trú trước ngày 27-4) mỗi người 100.000 yên (20 triệu đồng) mang lại sự an tâm cho lao động và du học sinh Việt Nam. Không những vậy, Nhật Bản còn công bố nhiều đường dây nóng tư vấn dịch bệnh đa ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, cho cư dân nước ngoài và khách du lịch.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản cũng chung tay giúp nhau vượt qua đại dịch. Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) đã gửi miễn phí 1.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn bằng vải cho những người Việt ở vùng tâm dịch. Với tình trạng khẩu trang và nước rửa tay khan hiếm, 1.000 chiếc khẩu trang này rất có ý nghĩa đối với những người đang ở “vùng nguy hiểm”.

Những người Việt không thông thạo tiếng Nhật có thể theo dõi tình hình đại dịch ở khắp nước Nhật cũng như tại tỉnh, thành mình đang sinh sống nhờ một trang web do cộng đồng người Việt lập. Đối với đường dây nóng tư vấn đa ngôn ngữ, do quá tải đường truyền nên nhiều người không thể kết nối.

Vì vậy, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (Vaij) phối hợp với Hội Các điều dưỡng viên và y, bác sĩ người Việt Nam đang làm việc tại các viện của Nhật Bản cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ liên hệ sở y tế, bệnh viện, phòng khám để giúp khám chữa bệnh. Sự chung sức, chung lòng của cộng đồng người Việt giúp những người xa quê hương giảm căng thẳng, cảm thấy ấm lòng hơn. Tất cả đều mong muốn nhanh chóng vượt qua đại dịch để trở lại với cuộc sống thường nhật.

HUỲNH NGUYỄN CHÂU GIANG (từ Kawagoe, Nhật Bản)

;
;
.
.
.
.
.