Tháng 4, hơn 20 triệu người Mỹ mất việc

.

Trong tháng 4, khoảng 22 triệu người Mỹ mất việc làm do tác động của Covid-19. Đây là mức giảm chưa từng có, “phủ bóng” lên thành tựu tăng trưởng kinh tế rực rỡ của Mỹ trước lúc xảy ra đại dịch.

Những người bị mất việc làm xếp hàng nộp hồ sơ xin trợ cấp tại thành phố Fayetteville, bang Arkansas (Mỹ). Ảnh: Reuters
Những người bị mất việc làm xếp hàng nộp hồ sơ xin trợ cấp tại thành phố Fayetteville, bang Arkansas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Hãng Reuters dẫn thống kê mới của chính phủ Mỹ công bố ngày 8-5 cho thấy có đến 22 triệu người mất việc trong tháng 4; tỷ lệ thất nghiệp 16% - mức xấu nhất ở quốc gia này kể từ thời đại suy thoái cách đây 90 năm, nghĩa là cứ 100 người lao động phi nông nghiệp thì có 16 người phải nghỉ việc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 4,5% trong tháng 3 và 3,5% trong tháng 2.

Trước đây, nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ mất hơn 2 triệu việc làm chỉ trong một tháng. Mặc dù năm 1933, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%, nhưng quá trình này diễn ra chậm hơn, kéo dài cả năm. Giờ đây, khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng kỷ lục, lên tới 33,5 triệu người kể từ giữa tháng 3 đến nay, chính các nhà kinh tế học cũng ngỡ ngàng trước tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giữa tháng 3 là thời điểm các bang bắt đầu áp dụng lệnh “ở nhà” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời bắt đầu đánh dấu bức tranh ảm đạm của thị trường lao động.

Khảo sát của hãng Bloomberg cho thấy, chỉ trong một tuần qua, Mỹ có 3 triệu người mất việc. Song, theo Reuters, một số nhà kinh tế học tin rằng, tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong tháng 4 còn cao hơn so với thông tin được công bố chính thức, thậm chí có thể lên đến 34 triệu người, chứ không dừng lại ở 22 triệu người. Nguyên nhân do doanh nghiệp không thể hoạt động tốt trong khi thị trường việc làm sụp đổ và hàng triệu người nhập cư trái phép không thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp là một trong những yếu tố phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Con số thất nghiệp cao ngất ngưởng, chính quyền các bang quá tải khi nhận hồ sơ xin trợ cấp… sẽ là những rào cản cho cuộc đua giành nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump. Mặc dù chính phủ đã phê duyệt gần 3.000 tỷ USD viện trợ liên bang để giúp ổn định nền kinh tế, bao gồm một chương trình đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, theo đó cung cấp các khoản vay không lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ nếu họ tiếp tục trả lương cho nhân viên phải nghỉ việc, nhưng các công ty hiện vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm. Tập đoàn Boeing dự kiến cắt giảm 16.000 việc làm cho tới cuối năm 2020. Nhà sản xuất động cơ máy bay GE Aviation có kế hoạch cắt giảm 13.000 việc làm. Nhà sản xuất máy bay Spirit AeroSystems Holdings Inc đang cắt giảm 1.450 việc làm. Công ty Uber sẽ giảm 3.700 công việc…

Ngoài gói cứu trợ trị giá gần 3.000 tỷ USD nói trên, Bộ Tài chính Mỹ ước tính vay thêm 677 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp. Hãng Bloomberg cho rằng, các bang cũng bắt đầu cảm nhận gánh nặng tài chính rõ rệt. California - bang đông dân nhất nước Mỹ - thời gian gần đây vay hàng triệu USD từ chính phủ để chi trả quyền lợi cho người lao động. Theo báo New York Times, khoảng 50% trong số 50 bang của Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại. Georgia cho phép mở cửa tiệm cắt tóc, làm móng, nhà hàng nhưng phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Texas cho mở cửa các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng có sức chứa hạn chế kể từ ngày 1-5.

Tổng thống Donald Trump thúc giục tái khởi động các hoạt động kinh tế dù Covid-19 vẫn lan rộng ở Mỹ, làm tổng cộng 1,25 triệu người nhiễm và 75.000 người tử vong. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, sự hồi phục kinh tế có thể bắt đầu diễn ra trong nửa cuối năm nay sau khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động và người lao động trở lại làm việc. Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán của FED mà thôi. Trong khi đó, một số quan chức của chính cơ quan liên bang này nhận định, sự hồi phục kinh tế nhanh chóng là điều rất khó đạt được.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.