Châu Âu mở cửa biên giới nội khối

.

Các quốc gia trên khắp châu Âu ngày 15-6 nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới nội khối sau khi đóng cửa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Song, “lục địa già” vẫn đóng cửa với du khách Mỹ, châu Á và một số khu vực khác như Trung Đông, Mỹ Latinh...

Các phương tiện từ Đức vào Đan Mạch xếp hàng ở khu vực biên giới hai nước ngày 15-6. 						     Ảnh: AFP/Getty Images
Các phương tiện từ Đức vào Đan Mạch xếp hàng ở khu vực biên giới hai nước ngày 15-6. Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 15-6, Đức, Pháp, Bỉ và Hy Lạp mở cửa biên giới với các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU), khôi phục một phần việc tự do đi lại trong khối Schengen sau 3 tháng yên ắng do lệnh phong tỏa tại các quốc gia. Đêm 15-6, Áo mở cửa biên giới, nhưng không áp dụng cho du khách đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh; đồng thời đưa ra cảnh báo với những người đến từ Lombardy - “vùng tâm dịch” của Ý.

Hãng AP cho biết, chưa rõ người châu Âu có đi du lịch trở lại hay không dù họ rất yêu thích kỳ nghỉ hè. Vì vậy, việc phục hồi du lịch dường như rất xa vời, nhất là khi châu Âu vẫn đóng cửa với du khách đến từ Mỹ, châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông. Theo AP, “lục địa già” dự kiến bắt đầu mở cửa đối với một số du khách đến từ  những nơi khác vào tháng 7 tới, nhưng chưa có thông tin cụ thể về kế hoạch này.

Cao ủy phụ trách các công việc nội khối của EU, bà Ylva Johansson, tuần trước nói rằng các nước nên mở cửa càng sớm càng tốt. Bà Johansson đề nghị ngày 15-6 là thời điểm tốt để đi lại tự do trong khối Schengen (gồm 22 quốc gia thành viên EU cùng Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ), vốn đã chính thức bãi bỏ hộ chiếu cũng như các loại kiểm soát khác ở biên giới. Thực tế, một vài nước đã mở cửa trước đó, như Ý, Ba Lan. Ngày 3-6, Ý mở cửa chào đón du khách châu Âu. Ba Lan mở cửa từ ngày 11-6. Tây Ban Nha tuyên bố mở cửa biên giới với tất cả các nước EU kể từ ngày 21-6, trừ Bồ Đào Nha. Chịu thiệt hại nghiêm trọng trong đại dịch, Tây Ban Nha kỳ vọng việc mở lại biên giới sẽ cứu vãn một phần cho ngành du lịch - ngành kinh tế chiếm 12% GDP của nước này.

Ngày 15-6, Đức chính thức chấm dứt việc kiểm soát biên giới. Song, biên giới của nền kinh tế lớn nhất châu Âu với một số quốc gia khác đã từng bước được nới lỏng từ vài ngày trước đó. Chính phủ Đức cũng từng bước dỡ bỏ cảnh báo đi lại trên toàn thế giới, thay vào đó là khuyến cáo đi lại đối với từng quốc gia và khu vực. Berlin cho phép người dân đến các nước trong khu vực, nhất là những điểm du lịch được người dân Đức yêu thích tại Ý, Áo, Hy Lạp, Pháp và Croatia. Ngoài ra, Đức vẫn duy trì cảnh báo đi lại chính thức đối với hơn 160 quốc gia ngoại phạm vi châu Âu cho tới cuối tháng 8.

Anh và Pháp đều có quy định cách ly bắt buộc hai tuần đối với các du khách đến hai nước này. Anh tuy đã rời EU nhưng vẫn giữ liên kết chặt chẽ với khối cho đến cuối năm nay. Trong khi đó, chính phủ Pháp thúc giục người dân tiếp tục duy trì cảnh giác trước tình hình Covoid-19 diễn biến khó lường. “Giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua nhưng SARS-CoV-2 chưa chết. Chúng ta chưa đánh bại nó hoàn toàn và chúng ta đang kiểm soát sự lây lan của dịch”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói.

Theo nhận định của AP, châu Âu từng là điểm nóng Covid-19. Việc châu Âu mở cửa là vấn đề phức tạp trong lúc nhiều quốc gia, khu vực đối mặt với nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai. Vì vậy, rất nhiều người châu Âu quyết định sẽ ở nhà vào mùa hè này. Song, tâm lý lo sợ của người châu Âu không phải là điều mà những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp mong muốn.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói rằng, việc phục hồi của ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào việc mọi người có cảm thấy thoải mái khi đi du lịch hay không, và quốc gia phía nam bán đảo Balkan này có phải là điểm đến an toàn hay không. Các nhà chức trách Hy Lạp nhấn mạnh, nước này chỉ có 183 ca tử vong do Covid-19, trong khi cả châu Âu có hơn 182.000 ca tử vong. Hy Lạp sẽ yêu cầu cách ly đối với những người đến nước này từ các sân bay ở 8 nước EU.

Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, châu Âu có 2,04 triệu ca mắc Covid-19, so với thế giới có tổng cộng 7,8 triệu ca nhiễm. Trước lúc xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày có trung bình 3,5 triệu lượt di chuyển giữa các nước trong Liên minh châu Âu, trong đó 1,7 triệu lượt là những người đi làm.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích